Thủ tướng yêu cầu gỡ ngay ách tắc lưu thông hàng hóa

Sáng 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Hàng hóa tắc ở Hải Dương do mỗi tỉnh một cách hiểu

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn có chuyển biến tốt, số ca dương tính giảm.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đặt ra là hiện tỉnh đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay sau khi được dỡ phong tỏa nhưng việc lưu thông hàng hóa như nông sản xuất khẩu qua một số địa phương gặp khó khăn. Do vậy, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa, nhất là đường ra cảng Hải Phòng.

Trước tình trạng này, một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng chống dịch quyết liệt nhưng không nên cực đoan mà cần có biện pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, cho sản xuất.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc ách tắc hàng hóa thời gian qua tại tỉnh Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, vướng mắc không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải, lưu thông. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. “Đến hôm nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng đây là kinh nghiệm cần rút ra. Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ” - ông An nói.

Thủ tướng đánh giá cao thành công chống dịch của TP.HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TP.HCM đã làm mạnh mẽ, kịp thời các giải pháp và đạt hiệu quả tốt. Hoan nghênh TP đã tháo dỡ các điểm phong tỏa cuối cùng. Thủ tướng cho rằng đến nay cơ bản cuộc sống đã trở lại bình thường và đây là thành công của TP.HCM.

Không để tắc hàng nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch

Sau khi nghe hết các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến tình hình ba tỉnh, thành trong cực tăng trưởng là Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Từ đó cần có các giải pháp để tiếp tục lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và không được “ngăn sông cấm chợ”.

Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa ba bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là ở ba tỉnh, thành nêu trên. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch vừa không để ách tắc.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nhất là những tỉnh đang có dịch cần có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16, 19 tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định.

Đối với Bộ GD&ĐT và các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên. Các bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở y tế tập trung.

Chuẩn bị một số khu vực giao dịch an toàn

Ngoài các giải pháp trên, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. “Tinh thần chủ động, tích cực, không được chủ quan nhưng không được buông lỏng trong phòng chống dịch, những nơi đang có dịch phải tiếp tục khoanh vùng, xử lý nghiêm để không còn dịch” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương có thể chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm, đó là các khu vực (zone) giao dịch an toàn, không để ách tắc. “Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân. Đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát sẽ làm ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển” - Thủ tướng nói.

Cuối cùng, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa bình thường, có biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống, không “ngăn sông cấm chợ”, nhất là ở các khu vực có cảng như TP Hải Phòng.

“Sản xuất phải an toàn, không được chủ quan. Các cấp, các ngành trong cả nước, các doanh nghiệp bảo đảm sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế mạnh mẽ, kể cả kinh tế dịch vụ tùy tình hình mỗi địa phương, tránh tình trạng phải đóng cửa, khoanh vùng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết vẫn đón nhận lao động tỉnh Hải Dương đến làm việc mà không có sự cản trở nào. Thời gian qua tỉnh này đón 25.000 lao động từ các địa phương về làm việc, trong đó có 1.315 lao động của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, để phòng dịch, số lao động từ tỉnh Hải Dương đến sẽ được cách ly 14 ngày và tiến hành xét nghiệm theo quy định.

Về tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn ổn định, đặc biệt các ngành công nghiệp như than, điện không bị ảnh hưởng nhiều. Ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, quý I-2021 chỉ đón 700.000 lượt khách so với mục tiêu đặt ra là 3,6 triệu lượt. Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép mở lại một số khu du lịch ở các địa bàn chưa có F0 nhưng sẽ bảo đảm chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị các bộ, ngành có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các tỉnh, thành trong việc lưu thông hàng hóa của các địa phương đang có dịch bệnh COVID-19 nhằm thống nhất thực hiện trong cả nước.

TP.HCM sắp mở lại nhiều dịch vụ

Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đến thời điểm này đã 14 ngày trên địa bàn không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Toàn bộ những địa điểm liên quan đến các ca bệnh đã được dỡ phong tỏa.

Thủ tướng yêu cầu gỡ ngay ách tắc lưu thông hàng hóa ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu ý kiến tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

“Với tình hình tương đối ổn định, chiều qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp và đưa ra các biện pháp cân nhắc, thời gian tới sẽ cho mở lại một số dịch vụ để thực hiện mục tiêu kép” - ông Đức nói và cho biết khi mở cửa lại các dịch vụ không thiết yếu sẽ vẫn đặt cảnh giác cao, không chủ quan trong phòng, chống dịch.

Theo ông Đức, chùm lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát. Tất cả 36 địa điểm liên quan các ca mắc COVID-19 đã được dỡ bỏ và gần 10.000 mẫu xét nghiệm người tiếp xúc F1, F2 đã âm tính.

Đặc biệt, TP cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhập vào TP sau tết và tiếp tục giám sát thường xuyên để phát hiện sớm nguồn bệnh trong cộng đồng. Từ ngày 16-2 đến nay, TP có 155.451 người khai báo về từ tỉnh, thành khác. Trong đó, 274 người về từ vùng dịch đã được cách ly tập trung.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, chiều 8-2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử... từ 12 giờ ngày 9-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm