Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp bàn giải pháp, không than nghèo kể khổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp cùng các địa phương bàn về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Hội nghị được thực hiện theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Mục đích của hội nghị là lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh sống chung với đại dịch COVID-19.

Đây là một hoạt động đáng chú ý đầu tiên của VCCI sau khi cơ quan này có Chủ tịch mới, ông Phạm Tấn Công, vốn từ bên Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương được cử về VCCI để nắm giữ vị trí này thay ông Vũ Tiến Lộc.

Trước đó, liên tục từ tháng 8 đến trung tuần tháng 9-2021, Thủ tướng liên tục nhận được các kiến nghị từ các doanh nghiệp, góp ý về cách thức chuyển đổi trạng thái và phòng, chống COVID-19 nhằm thích ứng và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Thủ tướng đã gặp gỡ các đại sứ, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như KoCham, AmCham, USABC, EuroCham… Thủ tướng và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều thống nhất nguyên lý “lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ”.

Trước hội nghị này, Thủ tướng đã giao VCCI chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng tham gia tổ chức.

Nội dung chủ yếu của hội nghị sẽ là tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 cùng các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá; báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Theo tổng hợp của VCCI, tính đến thời điểm 15h ngày 24-9, VCCI đã nhận báo cáo và kiến nghị của hơn 100 hiệp hội doanh nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp liên quan đến ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo và kiến nghị, VCCI cũng có một Báo cáo tổng hợp về tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. 

Hội nghị sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là thể hiện quyết tâm vượt khó, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, không “than nghèo, kể khổ.”

Dù vậy, báo cáo của VCCI gửi đến hội nghị hôm nay cũng vẫn nêu thực trạng theo cách “kể khổ” của doanh nghiệp. Điểm tiến bộ là VCCI đã tổng hợp được các kiến nghị mà doanh nghiệp trước đó khá lâu đã từng gửi đến Thủ tướng.

Chẳng hạn như đề xuất áp dụng công thức “7K+3T" mà một doanh nghiệp từ tháng 7-2021 đã được trực tiếp gửi Thủ tướng và các cơ quan truyền thống. Hiểu nôm na, 7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".

Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua của Bộ KH&ĐT cũng tổng hợp tình hình và kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Đáng chú ý, cơ quan này tổng hợp kiến nghị từ doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu một số kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Điều này nhằm sớm ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp . Ảnh: C.L

Mấu chốt kiến nghị về y tế để trở lại “bình thường mới”

Những kiến nghị từ doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT tổng hợp có điểm đáng chú ý về các biện pháp y tế và hệ quả nhằm bảo đảm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đó là: 

+ Cho phép người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

+ Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo của mình.

+ Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, vận chuyển, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền.

+ Hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đề sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Xem xét, đánh giá và có quy định lại về quy trinh “3 tại chỗ” do chi phí tốn kém, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng ương quá trình thực hiện

+ Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài KCN xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch, tăng cường trang thiết bị và năng lực cho cán bộ y tế cơ sở.

+ Hướng dẫn và trao quyền chủ động cho địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như công tác phòng chống dịch cho các tồ chức/doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm