Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu

(PLO)- Một số doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu.

nhin-lai-thanh-cong-va-han-che-con-ton-tai-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-trong-nam-2023A.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP

Tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị nhằm thảo luận các công việc liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2024 và các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

"Chúng ta chỉ còn 2 năm để thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ này và trong năm 2024 là năm tăng tốc phát triển, chủ đề điều hành được Chính phủ xác định là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, năm 2023 là năm khó khăn chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế nhưng độ mở cao. Một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.

thu tuong pham minh chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị với các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: VGP

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát. Quy mô nền kinh tế tăng lên khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, những kết quả đạt được của các doanh nghiệp Nhà nước. Cuộc gặp mặt là dịp để lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, với tinh thần mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn.

Một số hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, một số doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra.

bo truong nguyen chi dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về doanh nghiệp Nhà nước năm 2023.

Một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt; tỉ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu chưa đạt yêu cầu....

Các doanh nghiệp Nhà nước chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...).

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan; một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ, các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Pháp luật hiện hành về doanh nghiệp nhà Nước nói chung chưa thật sự phân cấp, chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Cần có chế độ tiền lương tương xứng

Từ những tồn tại trên, Bộ KH&ĐT cho rằng vai trò, vị trí và sứ mệnh của doanh nghiệp Nhà nước được xác định là rất lớn và đầy thách thức. Tuy nhiên, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp nhà nước nói chung và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng chưa tương xứng.

Doanh nghiệp Nhà nước không được tự chủ thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình; người lao động, nhất là lao động quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phát huy tối đa năng lực của mình cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

doanh nghiep CP.jpg
Doanh nghiệp Nhà nước ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế - Ảnh: VGP

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đồng thời phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý doanh nghiệp Nhà nước có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo báo cáo được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023.

Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 125,8 ngàn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 ngàn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai như Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm