Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi đến Bộ Y tế truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Bộ Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trước ngày 16-7.
Trước đó, bảy hiệp hội gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM; Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Nước nắm Phú Quốc; Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề doanh nghiệp khó khăn trong thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP.
Bảy hiệp hội cho hay Nghị quyết 19 được Thủ tướng ký ngày 15-5-2018 yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướngbãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt; bãi bỏ quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Thế nhưng Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết đã cùng với các hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Y tế… bỏ những quy định vô lý trong Nghị định 09. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại cho ngành chế biến thực phẩm.
Đến ngày 27-10-2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6134 về việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng. Theo đó, các đơn vị trực thuộc chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối iốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối iốt.
Tuy nhiên, về cơ bản, Công văn 6134 chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị về những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp thực phẩm gặp phải trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.
Quy định bổ sung kẽm, sắt trong bột mì khiến doanh nghiệp sản xuất mì gói gặp khó khăn.
Chính vì vậy, Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (mì tôm, nước tương, nước mắm...) quy định: Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm tiếp tục làm khó người kinh doanh.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ bột mì, cho hay từ ngày Nghị định 09 có hiệu lực thi hành, từ 28-1-2017 công ty bổ sung vi chất sắt, kẽm vào sản xuất. Nhưng khi bổ sung những chất này vào thì bột mì bị nổi đốm, màu sắc các sản phẩm thành phẩm không ổn định, bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng.
Chính vì thế, phần lớn khách hàng của công ty không chấp nhận các sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung vi chất sắt và kẽm. Không chỉ vậy, hầu hết các thị trường nhập khẩu sản phẩm của công ty như Mỹ, Canada… cũng đều không yêu cầu bổ sung vi chất sắt và kẽm vào sản phẩm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số, làm giảm thị phần của công ty.
Đại diện nhiều công ty khác cũng nêu thực tế khi dùng bột mì có bổ sung vi chất sắt, kẽm thì màu sắc sản phẩm bị xỉn hơn khi sử dụng bột mì bình thường. Đồng thời chất dai, giòn, trơn bóng trong mì cũng bị giảm.
Hơn nữa, nhiều nước không sử dụng bột mì có bổ sung sắt, kẽm. Do vậy nếu muốn tiếp tục xuất khẩu, công ty phải đầu tư thêm hệ thống sản xuất riêng cho xuất khẩu, thậm chí phải xây nhà máy mới. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư quá lớn, không hợp lý về mặt kinh doanh, bất khả thi.