Các nhà lập pháp Anh hôm 29-3 lần thứ ba bác bỏ bản thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit), khiến nước này đối mặt với viễn cảnh rời khỏi EU hạn chót vào 12-4 này, mà không có bất cứ thỏa thuận nào, hãng thông tấn AP đưa tin.
Hạ viện đã bỏ phiếu 344-286 chống lại thỏa thuận Brexit dù cho thủ tướng May trước đó đã tuyên bố sẽ từ chức và để một nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ mới tiếp quản các cuộc đàm phán với EU nếu thỏa thuận được thông qua. Trước đó Hạ viện đã từ chối ồ ạt hai lần, vào ngày 15-1 và 12-3. Sự kiện này đánh dấu gần ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý mà 52% người Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Người dân ra đường biểu tình phản đối Brexit. Ảnh: AP
Ngày 29-3, ngày thỏa thuận của bà May bị bác lần ba, cũng là ngày đáng lẽ nước Anh đã phải ra khỏi Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, EU mới đây đã đồng ý đẩy lùi thời hạn chót xuống và nói rằng nếu bà May có thể thông qua được thỏa thuận thì Brexit sẽ có hiệu lực vào ngày 22-5.
Còn nếu Anh không thông qua được thỏa thuận thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 12-4 trong tình trạng hỗn loạn, trừ phi cả hai bên đều đồng ý trì hoãn lâu hơn để xem xét lại căn cơ ‘cuộc chia tay’ giữa hai bên.
Cùng ngày 29-3, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh không thể thông qua thỏa thuận.
Theo ông, viễn cảnh Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận không phải phương án ưa thích của EU, song kịch bản này nhiều khả năng xảy ra.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp cảnh báo rằng nếu Brexit không có thỏa thuận có nghĩa là tê liệt thuế quan, tắc nghẽn biên giới và thiếu hụt hàng hóa...
Người dân Anh hôm 29-3 cũng đã xuống đường tuần hành quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần 2. Còn trong các cuộc khảo sát gần nhất, đa số người dân Anh đã bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại Ngôi nhà chung châu Âu.
Bà May vẫn chưa bỏ cuộc?
Tuy nhiên, bất chấp việc nước Anh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến kịch bản Brexit không thoả thuận vào ngày 12-4, trong tối ngày 29-3, các nguồn tin phát đi từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, bà May vẫn chưa bỏ cuộc và đang lên kế hoạch đưa thoả thuận Brexit ra bỏ phiếu lần thứ 4 trong tuần tới.
Để củng cố cho quyết tâm tiến hành lần bỏ phiếu thứ 4 về thoả thuận Brexit, nhiều quan chức thân cận của bà May cũng đã hé lộ trên báo chí Anh trong tối 29-3 rằng trong trường hợp lần bỏ phiếu thứ 4 tiếp tục thất bại, bà May sẽ sẵn sàng tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm, đồng nghĩa với việc sẽ xin EU tạm hoãn Brexit với thời gian lâu hơn.
Brexit từ viết ghép của hai chữ ‘Britain’, tức nước Anh, và ‘exit’, tức ra đi. Nó có nghĩa là sự ly khai của Anh khỏi Liên hiệp châu Âu – thay đổi mối quan hệ giữa Anh với EU về thương mại, an ninh và di dân. Anh quốc đã tranh luận về được và mất nếu gia nhập cộng đồng châu Âu gần như ngay từ khi ý tưởng này hình thành. Họ tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về tư cách thành viên hồi năm 1975, chưa tới ba năm sau khi họ vào khối. Cho đến năm 2013, Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Mục đích của ông Cameron lúc đó là giải quyết dứt điểm vấn đề này để sau này không ai đưa ra tranh cãi nữa và ông tin rằng phe ‘Ở lại’ sẽ thắng áp đảo phe ‘Ra đi’. Vào ngày 23-6 năm 2016, vào lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến di dân trở thành chủ đề gây phẫn nộ chính trị trên khắp châu Âu và giữa những cáo buộc mà phe ‘Ra đi’ đưa ra về ‘dối trá’ và ‘gian lận’, người dân Anh đã bỏ phiếu rút ra khỏi EU với 52% số phiếu so với 48% chủ trương ở lại. Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ không chốt lại được cuộc tranh luận mà còn làm phát sinh ra rắc rối để sau này giải quyết là điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Giờ đây, ngày đó cuối cùng cũng đã đến. |