Bởi chỉ vài ngày tới, Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục miễn nhiệm và bầu Thủ tướng mới, cũng như phê chuẩn các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng để thay cho những vị sẽ nghỉ chính sách - do tuổi cao, thôi không tham gia BCH Trung ương khóa XII, hoặc chuyển công tác khác - do phân công của Bộ Chính trị hay theo kết quả bầu tại Quốc hội.
Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt là phải khẩn trương ổn định tổ chức, bộ máy. Các thành viên Chính phủ cần bàn giao, chuyển giao nhanh, gọn công việc để các vị kế nhiệm vận hành có hiệu quả ngay bộ máy quản lý nhà nước. “Tôi và 19 đồng chí khác sẽ nghỉ chính sách hoặc chuyển công tác khác. Vậy làm sao chuyển giao nhanh để các đồng chí mới ổn định công việc. Thuận lợi có, nhưng nhiều khó khăn, thách thức đang đợi chờ”, Thủ tướng nói.
Khó khăn, thách thức mà Thủ tướng nói tới nằm trong chính báo cáo mà Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày trước tập thể Chính phủ. Đó là tăng trưởng kinh tế quý I-2016 có dấu hiệu giảm tốc, chỉ đạt chừng 5,46% - thấp hơn hẳn mức 6,12% của cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nguyên nhân suy giảm nằm ở khu vực nông, lâm, thủy sản, khi tăng trưởng âm 1,23% bởi hậu quả rét hại, băng giá các tỉnh phía Bắc hồi đầu năm, rồi hạn nặng và xâm mặn diện rộng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Một nguyên nhân khác là giá dầu thô xuống rất thấp, cùng với đó sản lượng khai thác giảm do Tập đoàn Dầu khí giảm sản lượng ở những mỏ mà chi phí khai thác cao.
“Tình hình này nếu không cải thiện và không có giải pháp điều hành hợp lý thì tăng trưởng cả năm khó đạt chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra”, Bộ trưởng Vinh lo ngại.
Tuy nhiên, trong số liệu tổng hợp có phần tiêu cực ấy, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát phân tích rằng vẫn còn những phần tươi tắn.
“Quý I, nông nghiệp tăng trưởng âm chủ yếu là mảng trồng trọt. Âm tới 6%. Còn các mảng khác như chăn nuôi, lâm, thủy sản vẫn tăng khá. Giá hầu hết nông sản cũng tăng. Cho nên, nơi bị thiên tai thì dân khó khăn, còn nơi khác, được cả mùa, được cả giá”, ông Phát báo cáo.
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, những mặt hàng như cà phê, cao su, tiêu, điều, tôm… sau thời gian giảm sâu thì giờ đều tăng trở lại.
Về tình hình thiên tai, Bộ trưởng Phát cho biết nguồn nước tăng cường từ hồ thủy điện bên Trung Quốc xả xuống dòng Mekong chỉ còn cách biên giới Việt Nam khoảng 300 km. Khả năng, 4-4 tới, nước sẽ về để giải hạn cho các cánh đồng khô cháy vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nước này sẽ được tăng cường, bởi hôm rồi, Lào đã tuyên bố sẽ xả thêm nước từ hồ thủy điện của mình.
Nhưng việc này mới chỉ có tác dụng với vùng đồng bằng. Còn trên Tây Nguyên sẽ còn khó khăn do tháng 4, 5 mới là đỉnh điểm hạn hán. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là cây lâu năm như cà phê. Bởi khô hạn không chỉ làm giảm năng suất trong năm, mà còn gây ảnh hưởng lâu dài các năm sau. “Ảnh hưởng kéo dài như vậy thì tỉ lệ hộ nghèo trên Tây Nguyên tới đây có thể tăng”, ông Phát lo ngại.
Giải pháp cho tình trạng thiên tai đặc biệt này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ cho hơn 1 triệu người dân khỏi bị thiếu nước sinh hoạt. Các bộ đã ngồi lại với nhau, đưa ra phương án cụ thể, giờ đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt để triển khai được ngay. Ngoài ra, cần phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế, tìm nguồn cứu trợ cho bà con vùng thiên tai. Theo ông Phát, Liên Hiệp Quốc đang lên chương trình kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho các nước chịu ảnh hưởng của khí hậu bất thường el-nino. Trong chương trình này, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có mặt và hy vọng sẽ tìm được nguồn hỗ trợ nhất định.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các địa phương bị hạn hán, xâm mặn. Tinh thần là không để người dân bị đói, không để bà con thiếu nước sinh hoạt. Về điều hành kinh tế, cùng với nỗ lực giảm thiểu hậu quả thiên tai, các bộ, ngành cần phát huy những yếu tố thuận lợi mới như giá nông, thủy sản lên để mang lại lợi ích tối đa cho người dân. Với những vùng bị xâm mặn, cùng với các giải pháp chống mặn thì phải tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có thể sống chung với biến đổi khí hậu. “Chẳng hạn, xâm mặn như thế, có thể bỏ lúa để chuyển sang tôm, mang lại giá trị cao hơn”, Thủ tướng nêu ví dụ.