Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được chủ quan với thiên tai

Sáng 20-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phải có phương án cụ thể

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo nhận định của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là một trong 10 quốc gia bị thiên tai đe dọa lớn nhất thế giới. Do đó, nếu không chủ động phòng chống, thiệt hại sẽ rất lớn.

“Chúng ta không được phép chủ quan và cộng đồng phải chung tay trong công tác PCTT. Các cấp ủy chính quyền phải có phương án cụ thể để ứng phó vì thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào” - Thủ tướng nhận định.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan.

Cụ thể, các vấn đề về bão, giông lốc, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, cháy nổ, sự cố môi trường, tai nạn tàu thuyền trên biển... có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Riêng năm 2018, toàn quốc đã xảy ra gần 2.500 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt). Hậu quả khiến hơn 600 người chết, mất tích 266 người, bị thương hơn 800 người. Trong sáu tháng đầu năm 2019, thiên tai, sự cố cũng khiến hơn 500 người chết, mất tích và bị thương.

“Năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, nhờ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN đã cứu được hơn 6.000 người và hàng trăm phương tiện” - báo cáo cho biết.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị các bộ, ngành, địa phương coi trọng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền. Cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó, sơ tán dân và TKCN. Ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý chống sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh vùng núi và sạt lở ven biển, ven sông...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ trong hội nghị sáng 20-6. Ảnh: M.HIỀN

Phân công rõ trách nhiệm

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiện toàn cơ quan PCTT các cấp; phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng thành viên. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT trong cộng đồng dân cư. Tăng cường chất lượng công tác dự báo PCTT; nâng cao khả năng PCTT của các công trình, nhất là hồ đập, đê bao…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo. Hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật đồng bộ, hiệu quả, xây dựng đội ngũ tham mưu PCTT chuyên nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, huy động các nguồn lực cho PCTT và TKCN.

Thủ tướng cũng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTT. Sớm hoàn thiện quy chế hoạt động, có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng rà soát phương án huy động lực lượng ứng phó thiên tai, không để bị động, bất ngờ.

Liên quan tới bảo vệ an toàn các công trình PCTT, Thủ tướng nhắc nhở: “Các địa phương cần nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc, thậm chí là có thể xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ chậm triển khai, không để vào mùa mưa bão rồi mà các công trình chưa hoàn thành”.

Hơn 7.600 tỉ đồng hỗ trợ thiên tai

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ đã phối hợp với các bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018 với tổng kinh phí là 7.602 tỉ đồng.

Trong đó, hỗ trợ bằng tiền là 7.013 tỉ đồng, còn lại là hỗ trợ bằng hiện vật như lương thực, hóa chất, hạt giống...

Có tất cả 55 địa phương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương, trong đó Thanh Hóa được hỗ trợ nhiều nhất với 668 tỉ đồng.

Cụ thể, để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2017-2018, 44 địa phương được cấp tổng kinh phí gần 630 tỉ đồng. Hai công ty trực thuộc Bộ NN&PTNT cũng được hỗ trợ gần 35 tỉ đồng.

Để khắc phục thiệt hại bão, lũ, sạt lở đất, có 29 địa phương được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng. Xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đê điều, hồ chứa bị ảnh hưởng bởi thiên tai, có 46 địa phương được hỗ trợ với tổng kinh phí 4.100 tỉ đồng.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2018 trên cả nước đã xuất hiện 16/21 hình thái thiên tai. Cụ thể, 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận giông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; chín đợt gió mạnh trên biển; bốn đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ năm 2011. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm