Thủ tướng: Tập trung hoàn thiện cơ chế đãi ngộ giáo viên

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được hưởng mức lương tương xứng với công sức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - ẢNh- VGP:Quang Thương.jpeg
Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Thương

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn hệ thống giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện; đặc biệt đổi mới giáo dục phổ thông đang trong giai đoạn cần tập trung nguồn lực. Việc quan tâm và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được tập trung thực hiện hơn nữa.

Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy, cô. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ - TB&XH tiếp tục kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất để lực lượng nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.

Đại diện các nhà giáo phát biểu tại buổi gặp mặt, thầy giáo Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) bày tỏ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về lượng và chất. Các trường cao đẳng, trung cấp đóng vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực lao động nắm được lý thuyết, có kỹ năng nghề vững vàng, là lực lượng chủ lực trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo thầy Kha, hiện nay, hợp tác và kết nối doanh nghiệp là thế mạnh của giáo dục nghề nghiệp. Mặc dù hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng, Chính phủ có quan tâm sâu sát nhưng thực tế cũng còn nhiều khó khăn. Từ đó, thầy Kha mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách đãi ngộ, tôn vinh, thu hút và trọng dụng nhà giáo, thu nhập được nâng cao, nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề… Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về đào tạo bán dẫn và các ngành mới.


Thầy giáo Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM).jpeg
Thầy giáo Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM). Ảnh: VGP/Quang Thương

Về công tác giáo dục thể chất, thầy giáo Vũ Văn Thành, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Đảng, Nhà nước có chế độ, chính sách, đãi ngộ thích đáng hơn đối với giáo viên làm công tác phát hiện, bồi dưỡng cho các em có năng khiếu giỏi các môn thể dục, thể thao trong nhà trường.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) - ngày “Tết” của các thầy cô; đồng thời nhấn mạnh đây chính là một trong những truyền thống đáng quý của người Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục và đào tạo quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành Giáo dục đã cùng các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.


Thủ tướng cũng nêu rõ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh.

Thủ tướng đặt ra phương châm là: “Lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy, cô giáo làm động lực”; đồng thời đảm bảo yêu cầu đặt ra là phải: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, “thực tâm, thực tài, thực nghề”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: VGP/Quang Thương

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp GD&ĐT; Trong đó, tập trung tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác GD&ĐT; các bộ ngành tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được hưởng mức lương tương xứng với công sức, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Gửi gắm đến các thầy cô giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, luôn là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... hãy cùng chung tay sát cánh với ngành GD&ĐT, xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện.

Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ - TB&XH, các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm, tập trung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho công tác dạy và học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm