Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ
Kết thúc hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường vào trưa 24-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định để xảy ra ô nhiễm môi trường có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố chủ quan.
Theo Thủ tướng, trong thời gian qua các tổ chức như Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chưa tập trung phòng, chống tội phạm về môi trường. Trong khi đó, nhiều địa phương coi trọng phát triển kinh tế nhưng coi nhẹ bảo vệ môi trường.
Trước đó, Thượng tướng Lê Quý Vương, Bộ Công an, đề nghị qua vụ Formosa gây ô nhiễm vùng biển miền Trung cần phải đánh giá xem các dự án gần biển, ven biển có đảm bảo các điều kiện về môi trường hay không vì các dự án vên biển hiện nay rất nhiều.
Về vấn đề xử lý chất thải nguy hại, thượng tướng cho biết hiện nay cả nước có 90 doanh nghiệp được Bộ TN&MT cấp phép hành nghề nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp không xử lý mà đưa đị chôn lấp, không đảm bảo môi trường. Ông đề xuất không nên cấp phép cho những dự án gây ô nhiễm môi trường.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng cần phải quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về bảo vệ môi trường theo quan điểm “Phát triển kinh tế không hy sinh môi trường”. Ông nói: “Nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rồi, nếu phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường thì số tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường còn tốn kém hơn. Đó là chưa kể có những dạng ô nhiễm môi trường không khắc phục được”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định: “Qua vụ Formosa chứng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về bảo vệ môi trường còn yếu. Sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa đủ mạnh, hệ thống chính sách cũng chưa đủ mạnh, ý thức chấp hành pháp luật của nhà đầu tư cũng có vấn đề, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần phải có chiến lược hành động trong việc thực hiện các dự án lớn phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, phải có chiến lược hành động để giải quyết được cho được công tác về xử lý rác, xử lý các loại chất thải.
Kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN&MT và các bộ, ngành đơn vị liên quan phải xem xét cẩn trọng những dự án lớn đầu tư ở những khu vực nhạy cảm như đông dân cư, ven biển,... Không cho phép thực hiện các dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cho Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, thành lập Ủy ban Khẩn cấp xử lý các sự cố nghiêm trọng về môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương phải xây dựng giải pháp xử lý môi trường có chủ động, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. Bộ trưởng cấp bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vấn đề về ô nhiễm môi trường. Bảo vệ môi trường không phải là chuyện làm cho tương lai mà là vấn đề cấp thiết. Bởi những hậu quả do ô nhiễm môi trường đang đe dọa cuộc sống của chúng ta hiện nay”.
Sự cố ở Bauxite Nhân Cơ xảy ra bốn phút Riêng về sự cố môi trường ở dự án khai thác Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) mới đây, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Khai thác than khoáng sản Việt Nam, cho biết sự cố tràn sút ở dự án khai thác Alumin Nhân Cơ chỉ diễn ra trong bốn phút, được khắc phục nhanh nên hậu quả về môi trường không đáng kể. |