Thực phẩm, đồ uống thi nhau tăng giá

(PLO)- Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng cho thấy giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ông lớn trong ngành thực phẩm, đồ uống vừa thông báo tăng giá bán sản phẩm trước sức ép giá xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận chuyển… liên tục tăng cao.

Giá gà tăng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá gà tăng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Ảnh: TÚ UYÊN

Đơn cử ngày 27-6, Highlands Coffee - chuỗi thương hiệu cà phê với khoảng 500 cửa hàng trên cả nước thông báo tăng giá bán sản phẩm. Theo khảo sát, mức giá tăng sản phẩm của thương hiệu này dao động 4.000-10.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và kích thước. Tuy nhiên, hãng này vẫn giữ giá bán một số sản phẩm.

Trước đó, chuỗi Pizza 4P’s với 24 chi nhánh trên toàn quốc cũng thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. “Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất” - chuỗi nhà hàng pizza này lý giải.

Đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club cũng thông báo buộc phải tăng giá một số sản phẩm vì sức ép giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng cho thấy giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh. Bà Liễu, tiểu thương bán thịt gà chợ Nguyễn Văn Trỗi, cho biết giá gà tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước. Giá gà tăng cao khiến sức mua của người dân giảm, tiểu thương buôn bán ế ẩm.

Tương tự, ông Trí, chủ quán cơm gà xối mỡ ở quận Tân Bình, nói do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine nên gà nhập từ Mỹ, Brazil… khan hiếm, giá tăng mạnh. Ví dụ đùi gà góc tư Mỹ từ mức 30.000 đồng/kg tăng lên 52.000 đồng/kg.

“Dù đầu vào cái gì cũng tăng nhưng quán ăn không dám tăng giá nhiều vì sợ mất khách. Mặt khác, tôi tính toán cắt giảm nhân công, điện, nước... để tiết kiệm chi phí. Thế nhưng lượng khách vẫn giảm do mọi người sống tiết kiệm hơn. Trước đây một ngày quán bán được 150 suất nay giảm còn 100 suất” - ông Trí nói.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, thông tin: Nguồn cung thịt gà giảm do sau dịch COVID-19, người nông dân cạn kiệt dòng tiền nên giảm tái đàn. Bên cạnh đó giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… đều tăng cao nên nông dân không mặn mà nuôi gà.

“Không chỉ gà trong nước mà gà nhập khẩu cũng khan hiếm do đứt gãy nguồn cung” - ông Quyết nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm