Thực phẩm độc hại bủa vây

Cả người Việt cũng tiếp tay đầu độc đồng bào mình thì hết đường né tránh. Bị bủa vây bằng thực phẩm độc hại, người dân biết ăn gì bây giờ?

Dân nghèo thành thị lãnh đủ

Tại sao chỉ dân nghèo và trung lưu thành thị lãnh đủ? Xin thưa: Hiện nay do quá sợ hãi những thực phẩm độc hại tràn lan, những người giàu có đủ điều kiện họ tìm mua các loại thực phẩm cao cấp không sợ độc hại, như thịt bò nhập từ Úc, Nhật; thịt heo, thịt gà, trái cây, rau quả nhập từ Mỹ, New Zealand... Dĩ nhiên các loại thực phẩm nhập này giá ngoài tầm tay của những thị dân nghèo và giới trung lưu. Còn bà con ở dưới quê thì dù có thu nhập thấp nhưng lợi thế có đất đai, cây nhà lá vườn, mùa nào thức nấy. Heo gà, tôm cá, rau trái tha hồ tự cung tự tiêu không sợ nhiễm độc. Không loại trừ một số người thiếu lương tâm, hám lợi nuôi trồng những thứ không hóa chất độc hại để ăn, còn loại có thuốc trừ sâu, hóa chất siêu tăng trọng, tăng trưởng thì... đem bán! Mong là số này không nhiều.

Hiện nay những người nội trợ ở đô thị hằng ngày đi chợ, siêu thị cứ phân vân không biết mua gì vì nhìn đâu cũng thấy thực phẩm độc hại. Từ thịt heo, thịt gà, tôm, cá đến rau củ quả... đều có thể ẩn chứa nhiều hóa chất độc hại. Nào heo siêu nạc do chất salbutamol trộn trong thức ăn, heo được chích thuốc ngủ để bơm nước cho tăng trọng trước khi mổ (cách nay vài ngày mấy trăm con heo đang được chích thuốc và bơm nước bị bắt tại trận ở Bình Dương); gà thì được nuôi bằng thức ăn trộn hóa chất công nghiệp vàng ô cho da gà vàng tươi hấp dẫn, rau trái nhiễm thuốc trừ sâu, lại được bơm thêm hóa chất siêu tăng trưởng mau lớn đến khó tin... Các loại hóa chất này đều có thể gây ung thư và nhiều bệnh nan y khác, hầu hết được nhập lậu từ Trung Quốc, bày bán công khai ở chợ Kim Biên, mua bao nhiêu cũng có. Những thực phẩm gồm thịt heo, gà, rau trái, thực phẩm chế biến với bao bì bắt mắt, giá rẻ rất độc hại nhập lậu từ Trung Quốc cũng được bày bán mọi lúc, mọi nơi trên cả nước.

Chẳng lẽ mãi sống chung với thực phẩm độc hại?

Hầu như ngày nào trên truyền hình, báo chí cũng đầy rẫy những tin tức, hình ảnh ngộ độc thực phẩm mà ai đọc, nghe, thấy cũng phải rùng mình nhưng mọi người vẫn phải ăn để sống nên đành nhắm mắt sống chung với thực phẩm độc hại. Có điều là người ta còn có thể chủ động giảm bớt độc hại bằng cách ăn các loại thực phẩm ít nguy cơ như cá tép nhỏ, rau củ thường không cần phân bón, thuốc trừ sâu. Tại nhiều chợ, tôi thấy mấy bà nội trợ tần ngần trước những hàng thịt cá, rau trái, rồi mua những bó rau có sâu ăn lá lỗ chỗ, có lẽ họ nghĩ sâu ăn lá tức không có thuốc trừ sâu, hay mua mấy con cá nhỏ, tép nhỏ vì cho rằng chúng được đánh bắt trong tự nhiên. Nhưng còn những công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp hoàn toàn bị động trong ăn uống: Doanh nghiệp cho ăn gì thì ăn nấy, thường là những suất ăn giá rẻ nên khó có thể có được thực phẩm tươi sống, an toàn vệ sinh. Vì vậy mấy năm gần đây, công nhân các khu công nghiệp liên tiếp bị ngộ độc thực phẩm nhưng các cơ quan chức năng giải quyết không rốt ráo nên đâu lại vào đấy, những công nhân nghèo khổ, vất vả làm ra của cải vật chất cho xã hội lại được ăn uống qua loa với những suất ăn giá rẻ, thiếu an toàn, không bảo đảm sức khỏe. Đó là nghịch lý tồn tại đáng buồn.

Trong khi đó một mình cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm - hiện nay thuộc quyền quản lý của ngành y tế không thể nào chu toàn được. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đã đến mức báo động đỏ. Vì vậy thời gian gần đây liên tiếp có những ý kiến báo động của một số đại biểu Quốc hội, cùng các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan, ban ngành liên quan đến vấn đề khẩn cấp này. Tôi rất tâm đắc với câu phát biểu của Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), trong một cuộc tọa đàm gần đây: “Tội sử dụng chất cấm phải được đưa lên như tội cướp và giết. Không lẽ nào chỉ cần đe dọa người khác là cấu thành tội phạm mà đưa chất cấm vào cơ thể con người lại phải đợi có kết quả mới xử lý được!”.

Những biện pháp quyết liệt, chế tài mạnh mẽ cần thiết đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm