Ảnh minh họa.
Những diễn biến nói trên trái ngược hẳn với lời hứa của Bộ trưởng Tài chính trước đó khi trình bày về lý do tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần. Điều này cũng khiến nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao thuế bảo vệ môi trường lại đột ngột tăng quá cao như vậy và tiền thuế này được dùng để làm gì?
Thuế bảo vệ môi trường là một trong các thành phần thuế cấu thành giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu. Theo quy định, loại thuế này sẽ được tính vào giá bán ra của sản phẩm. Việc tăng thuế môi trường lên 300% khiến người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.
Theo Luật thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu là một trong 8 nhóm hàng hoá sau thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường bởi đây là nhóm hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng. Người nộp loại thuế loại là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế. Đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra. Luật quy định khung thuế môi trường với mặt hàng xăng là từ 1.000-4.000 đồng/lít, dầu diesel 500 – 2.000 đồng/lít, dầu hỏa 300-2.000 đồng/lít,…
Theo đề xuất của Bộ Tài chính được Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 10-3 và có hiệu lực từ 1-5, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đ/lít; mặt hàng dầu diesel tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít,…(Tương đương 300%). Ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỉ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình (Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống 20%). Điều này khiến nguồn thu ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia khoảng 6.000 đồng/lít, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp ba lần.
Theo lí giải của Bộ Tài chính, mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu, cùng với chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước.
Trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu hiện hành, mỗi lít xăng cõng thêm rất nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…chưa kể các loại phí khác. Khi thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng thì tổng các loại thuế mà mỗi người dân phải chịu khi mua một lít xăng khoảng 7.888 đồng/lít. Tuy nhiên khi thuế môi trường tăng lên 3.000 đồng/lít, tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải chịu hơn 10.000 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc Bộ Tài chính lý giải tăng thuế bảo vệ môi trường từ mức 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng lít để bù đắp một phần giảm thu ngân sách do phải thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế xuất nhập khẩu là không phù hợp. Bởi thuế môi trường và thuế nhập khẩu là tách bạch nhau, không thể lấy một loại thuế này để bù đắp cho một loại thuế khác. Về nguyên tắc thuế môi trường được dùng để khắc phục các hậu quả về ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra. Nay tăng lên gấp ba lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho bảo vệ môi trường chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm. Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng phải sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường. Số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường cũng không biết được. Việc thu, chi các loại thuế, phí bảo vệ môi trường là việc của Bộ Tài chính. Hằng năm, Bộ Tài chính lập dự toán, sau đó Quốc hội phê duyệt. Chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường ở nước ta hằng năm không quá 1% tổng chi ngân sách quốc gia, phân bổ cho trung ương và địa phương. T.P (tổng hợp) |