Ngày 27-5, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật tổ chức thượng đỉnh đầu tiên sau hơn 4 năm, nhất trí mở rộng hợp tác để ứng phó với thách thức chung, theo hãng thông tấn Yonhap.
Trong cuộc gặp tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida thảo luận về cách thức thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực, bao gồm: kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thiên tai, và giao lưu nhân dân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Lý nói rằng các cuộc đàm phán “là sự khởi đầu mới” và kêu gọi nối lại toàn diện hợp tác giữa ba cường quốc Đông Á.
Ông Lý cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Hàn Quốc và Nhật về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là về chuỗi cung ứng và khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do ba bên.
“Chúng ta cần có những cuộc đối thoại trung thực để nâng cao niềm tin và giải quyết những nghi ngờ. Chúng ta phải đề cao tinh thần tự chủ chiến lược và duy trì mối quan hệ, cần thúc đẩy tính đa cực trên thế giới và phản đối việc hình thành các khối, phe phái” - ông Lý nói tại hội nghị.
Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn diễn ra vài giờ sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch phóng vệ tinh. Đề cập vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng theo kế hoạch, cho rằng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
“Nếu [Triều Tiên] vẫn bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế và vẫn tiến hành vụ phóng, cộng đồng quốc tế phải phản ứng dứt khoát” - ông Yoon nói tại hội nghị.
“Nếu tiếp tục, các kế hoạch này sẽ vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ. Chúng tôi đặc biệt yêu cầu Triều Tiên ngừng hoạt động này” - Yonhap dẫn lời Thủ tướng Kishida.
Kết thúc phiên hội đàm ngày 27-5, ba nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung, tái khẳng định tầm quan trọng của việc “duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á”.
Tuyên bố chung không đề cập đích danh Triều Tiên, nhưng nói rằng ba nước đồng ý “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, đồng thời tái khẳng định cam kết đối với “một trật tự quốc tế dựa trên nền pháp quyền và luật pháp quốc tế”.