Trong đó nội dung đối với các hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng môn, dòng họ…) được đề nghị không điều chỉnh trong dự luật vì không có trụ sở, không có điều lệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác đề nghị dự thảo luật cần có quy định mang tính nguyên tắc đối với hội không có tư cách pháp nhân để đảm bảo quyền lập hội của công dân.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi: “Đặt ra pháp nhân đối với hội để làm gì? Để dễ quản ý à? Chúng ta có rất nhiều chủ thể không có pháp nhân vẫn quản lý được như hợp tác xã, hộ gia đình”. Theo ông Quyền, không nên đặt vấn đề này vì sẽ rất khó cho một số tổ chức. Miễn người ta đủ điều kiện, năng lực hành vi của tổ chức và chịu trách nhiệm về năng lực hành vi của mình là được. Không nên lấy tư cách pháp nhân để xác định hội này, hội kia.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại nêu quan điểm khác: “Đối với hội không có pháp nhân, theo tôi hiểu là tự thành lập và hoạt động với nhau. Loại hội này có số lượng lớn nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa có động thái quản lý”. Ông Phúc lấy ví dụ như các hộ dân oan, hội khiếu kiện... thì quản lý thế nào hay để tự phát. Theo đó, ông Phúc cho rằng Nhà nước không cấm, tạo mọi điều kiện cho hội hoạt động nhưng khi đã có luật thì tất cả đối tượng phải quản lý hết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định hiện nay tình hình lập hội tràn lan, có loại không mang tên hội nhưng hoạt động như hội, có tính chính trị trong đó. Vì thế cần tính toán, các hội ích nước lợi nhà thì nên khuyến khích để đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân, để xây dựng và phát triển đất nước.
TRỌNG PHÚ