Tiếp bước Lithuania, hai nước châu Âu tuyên bố rút khỏi nền tảng hợp tác của Trung Quốc

(PLO)- Estonia và Latvia thông báo rút khỏi diễn đàn "16+1” do Trung Quốc khởi xướng, tuy nhiên nói rằng sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Bắc Kinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post ngày 11-8 đưa tin Estonia và Latvia bất ngờ thông báo rút khỏi diễn đàn hợp tác "16+1” bao gồm Trung Quốc (TQ) và các nước Trung, Đông Âu.

Vào năm ngoái, Lithuania đã rút khỏi diễn đàn này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với TQ về vấn đề Đài Loan.

Estonia và Latvia thông báo rút khỏi diễn đàn "16+1” do Trung Quốc khởi xướng. Ảnh: REUTERS
Estonia và Latvia thông báo rút khỏi diễn đàn "16+1” do Trung Quốc khởi xướng. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố đăng trên trang web Bộ Ngoại giao hai nước Estonia và Latvia cho biết họ "sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với TQ cả song phương lẫn thông qua hợp tác EU-TQ dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Bộ Ngoại giao Latvia cho hay nước này “quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung, Đông Âu và TQ".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Estonia nhấn mạnh mặc dù nước này đã tham gia vào nhóm trên kể từ khi được thành lập vào năm 2012 nhưng "Estonia đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào của nền tảng này sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm ngoái”.

Với sự rút lui của hai quốc gia Baltic, nền tảng hợp tác giữa TQ và các nước Trung, Đông Âu sẽ có tên là diễn đàn “14+1”.

Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về quyết định của Tallinn và Riga.

Nhận định về động thái trên, ông Andrew Mertha, giám đốc nghiên cứu về TQ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins (Mỹ), cho biết quyết định của Latvia và Estonia cho thấy họ vẫn sẵn sàng mở cửa với Bắc Kinh ngay cả khi tuyên bố rằng họ chọn đứng phía nào về mặt địa chính trị.

“Trong khi TQ có lẽ tiếp tục khai thác sự khác biệt giữa các nước Đông Âu và các nước láng giềng phát triển hơn ở Tây Âu, cũng như sự khác biệt giữa các nước trong diễn đàn 16 + 1, thì mặt trái là Latvia và Estonia đang tìm cách tăng cường an ninh của họ bằng cách chọn rời đi” - ông Mertha nói.

Theo ông Mertha, thông qua việc tuyên bố tìm kiếm "các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng" với Bắc Kinh, hai nước Baltic đang báo hiệu rằng họ hiểu rõ sự khác biệt giữa Bắc Kinh và Moscow liên quan đến “phạm vi ảnh hưởng” tương ứng mà qua đó, các nước Baltic này có thể tận dụng và khai thác triệt để”.

Diễn đàn hợp tác trên được Bắc Kinh thành lập cách đây một thập niên với tên gọi "16 + 1" và sau đó là "17 + 1" khi Hy Lạp gia nhập vào năm 2019, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư giữa Bắc Kinh với 17 quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, tương lai của diễn đàn trở nên bất định hơn bao giờ hết sau khi Lithuania thông báo rời khỏi vào năm ngoái, lập luận rằng diễn đàn không đem lại lợi ích kinh tế như kỳ vọng và là công cụ “gây chia rẽ” theo quan điểm của Liên minh châu Âu (EU). Sự ra đi của Lithuania khiến nhiều người dự đoán rằng các nước láng giềng Baltic sẽ nối gót theo sau.

Vào tháng 4, Bắc Kinh đã cử một phái đoàn do bà Hoắc Ngọc Trân, đại diện đặc biệt của TQ về hợp tác TQ - CEEC (các nước Trung và Đông Âu) làm trưởng đoàn tới thăm tám nước bao gồm Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.

Truyền thông TQ sau đó xác nhận mục đích của chuyến thăm là nhằm xóa đi “những hiểu lầm” về lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm