Tìm nguồn nhân lực để du lịch TP.HCM đột phá

(PLO)- Việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ ngày hội du lịch TP.HCM năm 2023, chiều 6-4, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch TP.HCM. Tọa đàm là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và các cơ sở đào tạo du lịch để tạo ra thị trường việc làm năng động cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Sau dịch COVID-19, nhu cầu du lịch tăng cao, ngành du lịch tái hoạt động nhưng đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2022-2023 ngành du lịch cần 485.000 người lao động trong cơ sở lưu trú du lịch. Năm 2025, cả nước cần có từ 950.000 đến 1,05 triệu buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3-1,45 triệu buồng lưu trú. Năm 2025, nhu cầu về người lao động khối cơ sở lưu trú du lịch là hơn 800.000 người và năm 2030 là hơn 1 triệu người.

Đại diện Công ty Vietravel cho biết các vị trí tuyển dụng liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, định hướng và phát triển dự án vẫn rất khó tuyển ứng viên. Việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho ứng viên mới còn chiếm khá nhiều thời gian. Để thực hiện chương trình đào tạo, DN phải đầu tư kinh phí, nhân lực và thời gian tương xứng mới mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, việc tuân thủ cam kết làm việc tại công ty chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, trong một số hoàn cảnh công ty lại vô hình trung trở thành “cơ sở đào tạo” nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị khác.

“Ngành du lịch cần 40.000 người lao động có trình độ nhưng các trường đào tạo tay nghề cao hiện chỉ đáp ứng 15.000 người lao động” - bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG khách sạn InterContinental Saigon, thông tin.

Bà Thảo cho biết hiện nay trình độ ngoại ngữ của lực lượng lao động chưa cao, còn gặp nhiều phàn nàn từ khách hàng. Chương trình đào tạo chưa sát với thực tế công việc, chất lượng chuyên môn, kỹ năng chưa được cải thiện nhiều. Cạnh đó, tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất.

Tập trung phát triển những ứng viên sáng giá

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Vietravel, cho rằng: Chúng ta cần tập trung tối đa nguồn lực cho công tác đào tạo, tái đào tạo nhân lực chuyên nghiệp để nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thực sự là khâu đột phá trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH và Sở Du lịch cần tăng cường vai trò là cầu nối liên kết giữa Nhà nước, DN và các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần không ngừng cập nhật xu thế phát triển du lịch.

Tìm nguồn nhân lực để du lịch TP.HCM đột phá ảnh 1
Nguồn nhân lực đang là một thách thức lớn đối với ngành du lịch trong bối cảnh phục hồi sau dịch COVID-19. Ảnh: THU TRINH

Bà Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, hiến kế: “Tổng cục Du lịch Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng các chương trình công tác liên kết quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và có chế độ hỗ trợ cơ sở đào tạo và DN trong việc gắn kết phối hợp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch sau dịch COVID-19”.

Bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG khách sạn InterContinental Saigon, cũng đề xuất: Chúng ta cần xây dựng đội ngũ kế thừa, có kế hoạch tuyển chọn gồm nhiều bước và xác định mục tiêu rõ ràng. Những ứng viên sáng giá được tập trung phát triển.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, sở đã phối hợp với Cục Thống kê đánh giá tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch để đưa ra giải pháp. Ngoài ra, sở còn phối hợp với trung tâm tiếng Hàn, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản hợp tác tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ hiếm như tiếng Nhật, Hàn, Tây Ban Nha... cho lực lượng hướng dẫn viên.•

Liên kết du lịch TP.HCM và tám tỉnh Tây Bắc

Cũng tại khuôn khổ ngày hội du lịch, Hội nghị xúc tiến du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ đã diễn ra vào chiều 6-4 tại TP.HCM.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, cho rằng: “Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tám tỉnh và TP.HCM sẽ tạo điều kiện để khai thác, kết nối thị trường du lịch TP cùng các tỉnh phía Nam với tám tỉnh Tây Bắc”.

Ông Thắng cho biết thêm: Năm 2023 sự kiện festival “Tinh hoa Tây Bắc” được tổ chức là sản phẩm du lịch hợp tác của tám tỉnh Tây Bắc với TP.HCM. Chương trình sẽ quảng bá hình ảnh, tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển du lịch.

Du lịch Tây Bắc hiện có nhiều dịch vụ trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: THU TRINH
Du lịch Tây Bắc hiện có nhiều dịch vụ trải nghiệm thu hút du khách.
Ảnh: THU TRINH

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thông tin TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc đều mong muốn triển khai hoạt động du lịch hiệu quả hơn, đưa những dịch vụ đặc sắc nhất đến với du khách TP.HCM cũng như cả nước.

Bà Hoa đề xuất ngành du lịch sử dụng ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong công tác liên kết này. Đồng thời kiến nghị Bộ VH-TT&DL sử dụng bộ mã liên kết. Trên cơ sở đó, các địa phương sử dụng mã chung để liên kết tour tuyến tập hợp các DN mà không tốn nhiều nhân lực.

Theo bà Hoa, TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức chuyên đề xúc tiến du lịch nước ngoài. Theo đó, TP xúc tiến một số thị trường theo dạng đầu tư thương mại để nhân lên quy mô, hiệu quả nhằm giải quyết bài toán về liên kết để phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm