Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… bị dư luận chỉ trích khi để cho các tin tức giả ủng hộ ông Trump và bất lợi cho bà Clinton được chia sẻ rộng rãi trong những ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Luồng “tin vịt” này được cho là một trong những nhân tố tạo nên chiến thắng bất ngờ cho ông Trump trước đối thủ.
Tin vịt tràn lan mạng xã hội
Ngày 17-11, trang Buzzfeed tiết lộ phân tích cho thấy trong ba tháng cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, các tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội Facebook mạnh mẽ hơn nhiều so với các bài viết từ những tờ báo lớn như New York Times, Washington Post, Huffington Post…Theo phân tích này, trong những tháng cao điểm của cuộc bầu cử, 20 câu chuyện giả mạo về hai ứng cử viên từ các trang web và blog mạo danh đã đạt được hơn 8,7 triệu lượt chia sẻ, phản ứng và bình luận trên Facebook. Trong khi đó, 20 bài viết về cuộc bầu cử trên 19 trang báo uy tín chỉ đạt hơn 7,3 triệu lượt tương tác.
Những trang tin giả mạo được thiết kế giống với những trang báo chính thống nhưng có thể tiếp cận lượng độc giả lớn hơn các tờ báo lớn… nhờ sức mạnh của mạng xã hội. Theo AP, các trang này lợi dụng những chủ đề xu hướng (trending) nhằm lừa người dùng nhấp chuột, khi đó người dùng sẽ được chuyển đến những trang web có nội dung thiên lệch ủng hộ một ứng cử viên hoặc các trang tin có các bài viết giả mạo.
Trong những chủ đề tin giả được chia sẻ ồ ạt trên Facebook, nhiều nhất là các tin theo hướng “ủng hộ ông Trump, bôi nhọ bà Clinton”. Theo Buzzfeed, bốn tin tức giả mạo được lan truyền nhiều nhất là Giáo hoàng Francis ủng hộ Donald Trump, Hillary Clinton bán vũ khí cho IS, Hillary Clinton bị loại khỏi các chức vụ chính phủ liên bang, Giám đốc FBI nhận hối lộ hàng triệu USD từ Quỹ Clintonvới lượt tương tác lên đến hơn hai triệu. Tờ Wired nhận định những tin tức này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với hàng triệu người đã đọc và chắc chắn sẽ có nhiều người tin đó là sự thật.
Mới đây, Washington Post đăng tải bài viết về Paul Horner, 38 tuổi, một người chuyên tạo tin giả và lan truyền chúng trên Facebook. Horner là tác giả của trang web abcnews.com.co (nhái theo trang abcnews.go.com). Đây là trang web có các bản tin sai sự thật như Người Amish tại Mỹ cam kết bỏ phiếu cho Trump hoặc Tổng thống Obama ký sắc lệnh cấm hát quốc ca tại các sự kiện thể thao toàn quốc được chia sẻ nhiều trên Facebook. Theo tờ The Hill, hồi tháng 3, Eric Trump - con trai ông Trump và quản lý chiến dịch cũ của ông là Corey Lewandowski thậm chí còn chia sẻ đường dẫn về bản tin giả lên Twitter.
Google cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, theo Washington Post. Vào sáng 14-11, khi tra từ khóa “final election numbers” trên trang tìm kiếm, kết quả đầu tiên cho thấy ông Trump chiến thắng cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri nhưng thực tế bà Clinton mới là người thắng phiếu phổ thông.
Tin vịt đã góp phần chiến thắng cho Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Nhân tố tạo nên chiến thắng
Theo New York Times, Facebook công bố có hơn 200 triệu người Mỹ dùng mạng xã hội này mỗi tháng trong tổng dân số hơn 320 triệu người. Nghiên cứu mới đây từ Pew Studio cũng cho thấy có 63% người Mỹ sử dụng Facebook như một nguồn tin khi có sự kiện hoặc vấn đề, dựa vào các chia sẻ từ bạn bè. Với sức ảnh hưởng lớn như vậy, Facebook hiện đang bị truyền thông chỉ trích là đã tiếp tay cho việc phát tán các tin tức giả mạo, góp phần tạo nên chiến thắng cho ông Trump.
Phân tích của Buzzfeed cho thấy những bài viết giả mạo về cuộc bầu cử tổng thống được chia sẻ nhiều nhất có nội dung “ủng hộ ông Donald Trump và bôi nhọ bà Hillary Clinton”. Nhiều người cho rằng với những thông tin đó, Facebook có thể đã vô tình góp phần hướng các cử tri bầu cho ông Trump làm tổng thống. Bởi nếu tin vào các thông tin sai lệch này, người dùng sẽ tưởng rằng Giáo hoàng Francis thật sự đã ủng hộ Donald Trump, đặc vụ FBI đúng là đã bị ám sát khi điều tra các email của bà Clinton và hàng loạt tin tức xuyên tạc chưa kiểm chứng khác.
Washington Post dẫn lời Paul Horner, người tạo ra những tin tức giả, cho rằng ông Trump thắng được là nhờ một phần ở anh. “Người ta chỉ đọc lướt nhanh chứ không ai kiểm tra độ xác thực của tin tức. Đây chính là cách mà ông Trump đắc cử” - Horner nói. Anh này cũng thừa nhận các trang tin của mình rất được cử tri yêu thích. “Tôi nghĩ mình đã góp phần đưa ông Trump vào Nhà Trắng. Người ủng hộ ông ấy chia sẻ tất cả, tin vào tất cả” - Horner khẳng định.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên truyền hình hôm 13-11 cũng từng khẳng định Facebook là yếu tố quan trọng giúp ông giành chiến thắng trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Theo ông, Facebook, Twitter, Instagram “đã giúp tôi thắng trong cuộc đua mà đối thủ đang chi nhiều tiền hơn”. Tân tổng thống khẳng định mình đắc cử mà không phải bỏ nhiều tiền chi cho các hình thức quảng cáo truyền thống và kỹ thuật số như bà Clinton. “Tôi cho rằng mạng xã hội có nhiều quyền lực hơn số tiền mà họ (chiến dịch của bà Clinton) bỏ ra” - ông Trump nói.
Ông Ed Wasserman, Hiệu trưởng trường báo chí Graduate School of Journalism thuộc ĐH UC Berkeley (bang California), trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg đã cho rằng: “Mọi người đang bị ảnh hưởng bởi truyền thông không có tính chính danh. Trong khi truyền thông có tính chính danh, được xác minh cẩn thận lại không thực sự có ảnh hưởng”.
Báo chí mở cuộc chiến chống tin giả Trong bài xã luận đăng trên tờ Politico, cây viết phê bình báo chí Jack Shaffer cho rằng các tờ báo cần phát huy nhiều hơn nữa kỹ năng phát hiện và chỉnh sửa các thông tin sai lệch, đưa việc kiểm chứng thông tin thành các chuyên mục có sức lan tỏa mạnh. Hiện nay tại Mỹ đã xuất hiện nhiều dự án chuyên kiểm chứng độ xác tín của các thông tin mới xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội. Hai tờ The Washington Post và The New York Times thường có các bài viết kiểm tra độ đúng sai trong lời nói của các ứng cử viên kỳ bầu cử tổng thống vừa qua. Trang mạng Snopes được lập ra để chuyên kiểm chứng các lời đồn đoán đang lan truyền. Các trang như Politifact và FactCheck.org tiếp nhận và phanh phui những thông tin nào là giả mạo. Trong suốt ngày bầu cử toàn quốc vừa qua tại Mỹ, nhà báo Craig Silverman của trang Buzzfeed đã liên tục truy tìm và phanh phui những bài viết chứa thông tin sai lệch xuất hiện và được lan truyền trên mạng. Tờ The Washington Postcũng từng xây dựng một chuyên mục hằng tuần mang tên “Những gì trên Internet tuần qua là giả?” để cung cấp thông tin cho bạn đọc về những thông tin lừa đảo “dễ tin” nhất trong tuần. Dẫu thế, với biển thông tin tràn ngập trên mạng xã hội, người đọc vẫn sẽ có xu hướng đọc và tin vào những gì mà họ muốn tin tưởng. Tờ Politico cho rằng trách nhiệm lớn nhất trong cuộc chiến chống lại những tin tức sai lệch sẽ luôn thuộc về phía người đọc và sự tỉnh táo của họ. TRUNG NHÂN |