Cơ quan tình báo Quân sự Mỹ (DIA) hôm 19-11 đã công bố một báo cáo với tiêu đề "Sức mạnh quân sự Iran" phát thảo những đánh giá về năng lực quân sự hiện tại của Tehran.
Theo báo cáo, Iran vẫn còn đang "thua kém về mặt công nghệ" nhưng lực lượng vũ trang nước này đang "có sự tiến bộ đáng kể trong vài chục năm qua".
Báo cáo "Sức mạnh quân sự Iran" vừa được Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ công bố ngày 19-11. Ảnh: DIA
Báo cáo của DIA nhận định Tehran đang tìm cách trở thành một cường quốc khu vực ở Trung Đông khi đạt được tiến bộ nhanh chóng về công nghệ máy bay chiến đấu không người lái và các hệ thống chiến tranh khác, bao gồm những hệ thống tên lửa.
Cơ quan này đánh giá, Iran vẫn đang sử dụng các xe tăng đã lỗi thời được sản xuất ở Liên Xô từ thập niên 1970, cùng các máy bay chiến đấu cũ hơn. Nhưng Tehran có thể sẽ nhanh chóng nâng cấp các khí tài này sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc sẽ được dỡ bỏ vào năm sau.
Báo cáo của DIA lưu ý, tham vọng quân sự của Iran có thể bị kiềm chế bởi vấn đề ngân sách của nước này. Trong năm nay, chi tiêu cho quốc phòng của Tehran đã bị cắt giảm và có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh khi họ phải vật lộn với những lệnh cấm vận của Washington với mục đích bóp nghẹt nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này.
Báo cáo của DIA cũng đề cập chương trình không gian dân sự của Iran. Dù gặp nhiều bất lợi về kỹ thuật, song chương trình không gian của Iran cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tiêu biểu là việc các tên lửa có khả năng phóng các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ lên quỹ đạo tầm thấp quanh Trái đất.
Cơ quan tình báo Mỹ cũng nhấn mạnh, nhờ sự tương đồng trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các phương tiện phóng vệ tinh vào không gian, Iran có thể phát triển được những tên lửa lớn hơn và mạnh hơn, từ đó tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho Mỹ và các đồng minh Trung Đông của mình.
Cùng ngày, một quan chức tình báo Mỹ nói với phóng viên hãng tin AP rằng Iran có thể sẽ mua các máy bay chiến đấu và xe tăng mới từ Nga và Trung Quốc.
Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 bao gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, cùng với Đức, đã ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đánh dấu một thành tựu đối ngoại quan trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo thỏa thuận này, Iran sẽ cắt giảm chương trình làm giàu uranium của mình, đổi lại sẽ nhận được hỗ trợ từ Mỹ, Liên minh châu Âu EU và Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc. Cũng theo thỏa thuận, Liên Hiệp Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào tháng 10-2020.
Giữa năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này và tuyên bố tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Tehran. Trong khi đó, các quốc gia còn lại trong nhóm P5+1 đều nỗ lực giữ vững thành quả của chính quyền Tổng thống Obama.
Về phần mình, sau thời gian dài thể hiện thiện chí, đầu tháng 11, Iran đã có bước đi gây áp lực khi tuyên bố sẽ nối lại chương trình làm giàu uranium của mình dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA).