Tính đến chiều 5-3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý (CPD) ghi nhận 107 ca tử vong và gần 3.100 ca nhiễm COVID-19. Quốc gia châu Âu này hiện là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục.
Bắc Ý là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Nhiều TP và thị trấn tại đây đang bị phong tỏa, cấm người dân ra vào các vùng bị ảnh hưởng. Trong số này bao gồm 10 thị trấn thuộc vùng Lombardy phía đông nam TP Milan và một khu vực ở vùng Veneto về phía đông.
Tuy nhiên, nhà chức trách y tế Ý cho biết sẽ còn có thêm những khu cách ly mới được thiết lập đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Giới chức Rome ước tính khoảng 100.000 người đang chịu ảnh hưởng do lệnh phong tỏa này.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ và giấy xét nghiệm y tế một tài xế ở TP Milan ngày 4-3. Ảnh: AFP
Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, nhiều người dân trong vùng cách ly suốt hơn 10 ngày qua đã bắt đầu tập quen dần với nhịp sống thay đổi với hy vọng mọi chuyện sẽ quay lại bình thường thời gian tới.
Anh Marzio Toniolo, 35 tuổi, là một trong số những người đang sống tại những "vùng đỏ" của Ý hiện nay. Đây là cách gọi khác của các khu cách ly người nghi nhiễm COVID-19 ở Ý.
Chia sẻ với Reuters hôm 4-3, anh Toniolo cho biết cuộc sống tại thị trấn nhỏ San Fiorano - nơi anh cùng ông bà và gia đình sinh sống bị đảo lộn hoàn toàn khi lệnh cách ly được thực hiện. Gia đình anh cùng khoảng 50.000 người khác được yêu cầu ở trong nhà trong suốt thời gian cách ly.
Hàng ngày, anh Toniolo đều đặn gửi những đoạn video ngắn cho Reuters để cập nhật về cuộc sống của gia đình anh và mọi người xung quanh.
"Phải thú thật là việc sống chung với đông thành viên trong gia đình như vậy đang trở nên phức tạp hơn, bởi khi sáu người chúng tôi càng gần nhau thì càng dễ cãi nhau" - anh Toniolo nói.
Anh này cũng chia sẻ ông của anh, giờ đã 87 tuổi, đang gặp khó khăn thích nghi với thực tế mới hiện nay.
"Có lẽ việc có quá nhiều người ghé đến nhà chúng tôi những ngày này đã khiến ông bối rối. Chúng tôi cố giải khuây cho ông bằng những hoạt động khác" - anh Toniolo cho biết.
Reuters nhận định những khó khăn và thay đổi trong cuộc sống thường nhật của người dân trong vùng cách ly vẽ lên một khung cảnh đáng báo động về tình hình dịch ở Ý.
Từ lúc lệnh cách ly đưa ra, tiếng xe cấp cứu vẫn vang lên thường xuyên trên những con phố của thị trấn San Fiorano, mà nhiều khả năng là để đưa các ca nhiễm mới vào bệnh viện.
"Chúng tôi đã quá quen với việc nghe thấy tiếng xe cấp cứu hay nhìn thấy xe cấp cứu chạy nhanh trên đường phố lặp đi lặp lại mỗi ngày" - anh Toniolo mô tả bầu không khí ngột ngạt và hối hả chạy đua với COVID-19 tại đây.
Anh Toniolo chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng mình có nguy cơ cao bị nhiễm virus. Chúng tôi luôn phải theo dõi thông tin trên báo đài để nắm tình hình dịch bệnh. Hy vọng mọi thứ sẽ ổn. Một số người bạn của tôi bị nhiễm bệnh nhưng giờ họ đã cảm thấy khoẻ hơn. Họ cũng khuyên tôi đừng lo lắng quá, mọi chuyện sẽ sớm qua nhanh thôi".
Bị cách ly cũng đồng nghĩa với việc những nơi như San Fiorano phải đối diện tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và luôn được yêu cầu ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Bất kỳ người nào cố gắng thoát khỏi khu vực phong tỏa có thể đối diện với mức án ba tháng tù giam.
Các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong "vùng đỏ" chủ yếu vẫn là tập trung hạn chế tối đa người dân tụ tập đông người. Hầu hết các sự kiện công cộng, trường học và một số cơ quan công quyền nhất định đều bị tạm dừng.