Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nguồn từ cổng thông tin The Paper có trụ sở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết ông Li Liang, 36 tuổi, ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã tử vong do suy hô hấp. Đáng chú ý, người này tử vong năm ngày sau khi xuất viện. Ông Li bị nhiễm COVID-19 và nằm điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán.
Các tình nguyện viên đưa một phụ nữ mang thai vào bệnh viện Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Vũ Hán ở Trung Quốc để được xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tân Hoa xã
Bà Mei - vợ ông Li cho biết ông Li được đưa vào bệnh viện được xây dựng để điều trị những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình ở Vũ Hán hôm 12-2. Ông xuất viện hai tuần sau đó và được hướng dẫn cách ly tại một khách sạn trong vòng 14 ngày tiếp theo.
Theo lời bà Mei, sau hai ngày xuất viện, chồng bà cảm thấy không được khỏe với miệng khô và đầy khí dạ dày. Đến ngày 2-3, tình hình ông Li nặng hơn và được đưa tới bệnh viện. Đến chiều 2-3, bệnh viện xác nhận ông tử vong.
Giấy chứng tử do ủy ban y tế Vũ Hán cấp cho hay nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông Li là virus COVID-19, đồng thời liệt kê các triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp và suy hô hấp có thể dẫn đến cái chết của ông.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 5-3 thông báo nước này ghi nhận 139 ca nhiễm COVID-19 mới và 31 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này lần lượt là 80.409 và 3.012.
NHC cho biết trong 139 ca nhiễm mới có 134 ca là tại tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm của dịch bệnh. Khoảng 52.045 bệnh nhân đã phục hồi. NHC cũng cho biết có 20 ca nhiễm “nhập khẩu” từ nước ngoài. Đây là diễn biến khiến Trung Quốc lo ngại và một số TP của nước này đã áp dụng biện pháp cách ly.
Bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi vẫn có thể tái nhiễm
Theo trang tin Business Insider, các chuyên gia y tế cảnh báo những người nhiễm COVID-19 và đã phục hồi vẫn có khả năng tái nhiễm trong tương lai.
Nhà chức trách Nhật Bản hôm 26-2 thông báo về ca tái nhiễm virus COVID-19 đầu tiên ở nước này. Đó là một nữ hướng dẫn viên du lịch ở Osaka xét nghiệm dương tính với COVID-19 lần đầu tiên vào cuối tháng 1 và được cho xuất viện cách đây ba tuần sau khi cho thấy các dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, cô phải tái nhập viện điều trị sau khi bị đau họng, đau ngực và được xác nhận dương tính với COVID-19 lần nữa.
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách tại một sân bay ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Ông Zhan Qingyuan, người phụ trách công tác phòng ngừa và điều trị bệnh bệnh viêm phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật (Trung Quốc), tháng trước từng cảnh báo về điều này.
"Đối với những bệnh nhân đã được chữa khỏi, họ vẫn có nguy cơ tái nhiễm mầm bệnh. Kháng thể sẽ được tạo ra, tuy nhiên ở một số cá nhân, kháng thể không tồn tại lâu dài" - ông Zhan giải thích.
Các chuyên gia cho biết họ virus Corona bao gồm cả những virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) và bệnh cảm lạnh thông thường. Hầu hết các bệnh này gây ra nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Khi một virus xâm nhập vào cơ thể người, nó sẽ cố gắng bám vào và xâm chiếm các tế bào vật chủ. Đáp lại, hệ miễn dịch của con người sản sinh ra các kháng thể, những protein có thể nhận diện và tiêu diệt virus.
Đó là cách con người trở nên miễn dịch với một số bệnh nhất định. Ví dụ, trẻ em bị thủy đậu sẽ miễn dịch với bệnh này khi trưởng thành. Vaccine là một cách khác để phát triển miễn dịch cho con người.
"Với nhiều bệnh truyền nhiễm, một người có thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại một chủng virus nhất định sau khi tiếp xúc hoặc lây nhiễm. Thông thường, người đó sẽ không bị ốm lần nữa nếu tiếp xúc với mầm bệnh đó lần sau" - ông Amira Roess, giáo sư chuyên ngành sức khỏe toàn cầu và dịch tễ học thuộc ĐH George Mason, cho biết.
Nhưng trong trường hợp virus Corona chủng mới, theo ông Zhan, các bác sĩ không tin là những kháng thể được tạo ra trong cơ thể bệnh nhân đủ mạnh hoặc tồn tại đủ lâu để khiến họ không tái nhiễm bệnh lần nữa.
"Một khi bạn bị nhiễm COVID-19, virus có thể tạm thời ngưng hoạt động với các triệu chứng tối thiểu. Sau đó, tình trạng bệnh của bạn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu virus tìm được đường vào phổi" - ông Philip Tierno, giáo sư Trường dược thuộc ĐH New York, nói với hãng Reuters.