Tính đến 19 giờ 00 tối 22-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 335.108 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.219.962 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.096, số ca nhiễm tăng 31.951.
Ngoài ra, thế giới cũng có 2.097.281 bệnh nhân đã hồi phục.
Mỹ: Giãn cách xã hội sớm hơn một tuần có thể cứu được 36.000 người
Mỹ có thể đã cứu được khoảng 36.000 người tử vong do COVID-19 nếu nước này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội sớm hơn một tuần vào tháng 3, đài NPR dẫn nghiên cứu của ĐH Columbia cho biết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó quyết liệt đại dịch, nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ có thể tránh được ít nhất 700.000 ca nhiễm nếu hành động ngay từ ngày 8-3 thay vì 15-3.
Một binh sĩ Mỹ tại nghĩa trang quốc gia Arlington ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AP
Và nếu các biện pháp hạn chế được áp đặt tại Mỹ vào hai tuần trước đó, tức ngay từ ngày 1-3 thì sẽ cứu được gần 54.000 người và tránh được gần 1 triệu ca nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11-3. Hai ngày sau, tức 13-3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại Mỹ.
Đến ngày 15-3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ khuyến cáo không tụ tập trên 50 người trong hai tháng tới. Tuy nhiên, cơ quan liên bang này cho biết hướng dẫn này không áp dụng cho các trường học và doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 15-3, các thống đốc bang Washington và Illinois - hai điểm nóng dịch đầu tiên của Mỹ - đã yêu cầu đóng tất cả quán bar và nhà hàng. Các TP và bang khác cũng dần dần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Đến ngày 16-3, nhiều trường học bắt đầu đóng cửa.
Nghiên cứu cho biết nếu Mỹ hành động sớm thì sẽ tạo ra khác biệt lớn ở những khu vực có mật độ dân số dày và những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng như TP New York.
Theo nghiên cứu, nếu các lệnh hạn chế được đưa ra vào ngày 8-3 thì khu vực New York ít nhất sẽ có ít hơn 209.987 ca nhiễm và ít hơn 17.514 ca tử vong.
Tính đến ngày 20-5, tất cả 50 bang của Mỹ ít nhất đã nới lỏng một phần các hạn chế cho doanh nghiệp. Nhiều bang vẫn duy trì yêu cầu không ra khỏi nhà hoặc các chính sách giãn cách xã hội khác. Một số TP và hạt vẫn duy trì lệnh đóng cửa.
Tính đến nay, Mỹ là vùng dịch nghiêm trọng nhất với 1.621.333 ca nhiễm với 96.363 ca tử vong.
Nga: Số người chết do COVID-19 tăng chưa từng có
Theo trang tin Rappler, ngày 22-5, Nga ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng chưa từng có trong 24 giờ qua với 150 ca, nâng số người tử vong trên toàn quốc lên 3.249.
Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận 8.894 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm tại nước này lên 326.448. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Nga ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 9.000.
Nga cũng là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Nga ghi nhận số người chết thấp hơn nhiều so với các quốc gia có dịch nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, các nhà phê bình tỏ ra nghi ngờ con số này đồng thời cáo buộc nhà chức trách thống kê thấp hơn thực tế nhằm giảm nhẹ mức độ của cuộc khủng hoảng.
Các quan chức y tế Nga nói rằng một trong những nguyên nhân khiến số ca tử vong của Nga thấp hơn Mỹ và một số nước Tây Âu là họ chỉ thống kê những người tử vong với nguyên nhân trực tiếp là COVID-19.
Chính phủ Nga cho hay tình hình đang bước vào giai đoạn ổn định và 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng được phép đi làm trở lại ở Moscow.
Châu Á: Thái Lan kéo dài tình trạng khẩn cấp, Singapore có hơn 30.000 ca nhiễm
Tại Thái Lan, nước này sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia cho tới cuối tháng 6 nhằm kiểm soát tốc độ lây lan COVID-19 khi chính phủ chuẩn bị nới lỏng các hạn chế.
Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ Thái Lan cho biết kéo dài tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với những diễn biến mới của COVID-19 cũng như để có thời gian chuẩn bị cho việc nới lỏng hạn chế vào tháng tới.
Giao thông tại Bangkok, Thái Lan sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp cách ly. Ảnh: REUTERS
Các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa tại Thái Lan đã được mở cửa trở lại hồi cuối tuần qua sau gần hai tháng đóng cửa. Tuy nhiên, các quán bar, câu lạc bộ đêm, rạp chiếu phim, khu vui chơi và một số môn thể thao ngoài trời vẫn bị hạn chế.
Chính phủ Thái Lan cũng đã kéo dài lệnh cấm các chuyến bay hành khách quốc tế, vốn được áp dụng từ tháng 4, cho tới cuối tháng 6. Trường học vẫn đóng cửa và dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tháng 7.
Trong gần một tháng qua, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm theo ngày ở mức một con số. Ngày 22-5, Thái Lan không có thêm ca nhiễm và ca tử vong.
Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.037 ca nhiễm, trong đó 56 người đã tử vong và 2.910 người đã hồi phục.
Tại Singapore, ngày 22-5, nước ngày thông báo thêm 614 ca nhiễm, nâng tổng ca nhiễm tại đây lên 30.426.
Phần lớn ca nhiễm mới là người lao động nước ngoài sống trong các khu ký túc xá, Bộ Y tế Singapore cho biết.
Hiệp hội Nhân dân Singapore hôm 21-5 cho hay chiến dịch phân phát khẩu trang lần thứ ba sẽ bắt đầu vào ngày 26-5, trước khi nới lỏng các hạn chế “ngắt mạch” vào ngày 1-6.
Nhà chức trách thực hiện chiến dịch nâng cao ý thức về COVID-19 cho người dân tại các thị trấn ở TP Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ. Ảnh: GETTY IMAGES
Cũng trong ngày 21-5, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung đã giải quyết những lo lắng của phụ huynh về việc mở lại trường học vào ngày 2-6.
Ông nói rằng sau khi sự lây nhiễm trong cộng đồng xuống mức thấp và có kiểm soát, trường học sẽ mở cửa lại với nhiều biện pháp phòng ngừa.
Tại Ấn Độ, ngày 22-5, quốc gia Nam Á này ghi nhận mức tăng ca nhiễm kỷ lục theo ngày với 6.000 ca.
Diễn biến này diễn ra khi TP New Delhi nới lỏng phong tỏa toàn quốc và khôi phục một số chuyến bay nội địa.
Tính đến nay, Ấn Độ xác nhận 118.000 ca nhiễm và 3.853 ca tử vong.
Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 31-5. Tuy nhiên, ở những khu vực có ca nhiễm thấp hơn thì các hạn chế đã được nới lỏng.
Chính quyền bang cũng được phép ban hành hướng dẫn riêng về một số vấn đề.