Tình hình phòng cháy, chữa cháy ở các công sở TP.HCM

(PLO)- Theo Công an TP.HCM, hiện trên địa bàn còn 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 23.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-5, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 ngày 7-12-2017 của HĐND TP (NQ23 - PV) quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn TP không đảm bảo yêu cầu về PCCC.

Lực lượng công an kiểm tra công tác PCCC. Ảnh: TH

Lực lượng công an kiểm tra công tác PCCC. Ảnh: TH

Trường học, bệnh viện, chung cư đều không đảm bảo PCCC

Theo Đại tá Huỳnh Văn Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07), thống kê toàn TP có 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của NQ23. Trong năm năm đã xảy ra sáu vụ cháy đối với các cơ sở, chiếm tỉ lệ 0,51%. Các vụ cháy trên đều là các vụ cháy nhỏ, lực lượng tại chỗ xử lý được.

Qua kiểm tra, xử lý thì có 107 cơ sở không có khả năng khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Cảnh sát đã kiểm tra tất cả cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh và lập hơn 2.000 biên bản. Xử lý hành chính 187 cơ sở với số tiền lên đến hơn 440 triệu đồng.

“Nội dung của NQ23 cũng tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và các đơn vị có liên quan giải quyết bài toán khó mà từ trước đến nay vẫn chưa tháo gỡ được” - Đại tá Tâm nói.

Tuy nhiên, theo Đại tá Tâm, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, như tiến độ thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC còn chậm. Nguyên nhân do người đứng đầu, người đại diện các cơ sở chưa ý thức về trách nhiệm của mình, chưa tuân thủ thực hiện các quy định về PCCC, NQ23. Một số cơ sở thuộc sở hữu của Nhà nước như trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá, chung cư... chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu, giải pháp tại NQ23.

Trưởng phòng PC07 Huỳnh Văn Tâm phân tích: “Do các cơ sở này hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin chủ trương, xin kinh phí khiến thời gian khắc phục yêu cầu của NQ23 cần thời gian dài”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết hiện trên địa bàn quận còn 52 chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC 27/2001-QH10 có hiệu lực.

“Khảo sát cho thấy các chung cư cũ trước năm 1975 thì có 35/51 chung cư đã xuống cấp. Nếu lắp đặt, trang bị các hệ thống như hệ thống họng nước chữa cháy, vách tường, hồ nước, lối thoát nạn… sẽ khó thực hiện vì ảnh hưởng đến kết cấu của chung cư” - ông Trung nói.

Bên cạnh đó, việc vận động người dân đóng góp kinh phí xây dựng, lắp đặt mới hệ thống PCCC tại các chung cư gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, UBND quận 5 đã chỉ đạo khảo sát, lập dự toán và gửi công văn lên UBND TP về việc bố trí ngân sách để thi công, lắp đặt với 52 chung cư thuộc diện cải tạo, sửa chữa theo NQ23.

Một số cơ sở như trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá, chung cư... chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu, giải pháp tại NQ23.

Phải đồng hành với doanh nghiệp

Về việc thực hiện NQ23, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, Công an TP có những chỉ đạo rất quyết liệt. Ông yêu cầu Phòng PC07 cần gặp mặt tất cả doanh nghiệp (DN) để trao đổi, thảo luận làm rõ các nguyên nhân tồn tại về công tác PCCC.

“Việc sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế phải làm sao cho đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người dân. Trong nội dung NQ23 là gia cố an toàn cho DN, cơ sở nào chưa đủ điều kiện, còn tồn tại thì TP buộc phải di dời, tạo điều kiện di dời” - ông Hưởng nói và yêu cầu công an các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát để phối hợp tháo gỡ, hỗ trợ DN.

Phát biểu kết luận, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện NQ23 của HĐND TP đã được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC trong cán bộ, DN và người dân TP.

“Nhiều vụ việc người dân đã kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC, nhất là sơ hở và thiếu sót có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn…” - ông Châu nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết TP đã từng bước di dời các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tự di dời đến vị trí mới phù hợp với quy hoạch nhằm hoạt động ổn định và phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung đã được phân công nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai NQ23 của HĐND TP dẫn đến chậm trễ tiến độ thực hiện và hiệu quả chưa cao.

Trong thời gian tới, ông Ngô Minh Châu yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương nghiên cứu thực hiện năm giải pháp như tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra để khắc phục, bổ sung điều kiện an toàn PCCC, nhất là với các cơ sở không đảm bảo...

“Trong đó quy định trách nhiệm, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo PCCC các cấp để trở thành đầu mối trong triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, đơn vị” - ông Châu yêu cầu. •

Trưởng phòng PC07 Huỳnh Văn Tâm cho rằng cần thực hiện nhiều nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC.

Với 107 cơ sở không có khả năng khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC, giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức khảo sát, đánh giá các nội dung không đảm bảo, tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi công năng phù hợp, tự nguyện di dời, bắt buộc di dời.

Đối với các đối tượng là nhà chung cư không có ban quản trị, quản lý, giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tham mưu UBND TP bổ sung ngân sách kết hợp xã hội hóa từ người dân cư trú tại chung cư để tiến hành các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo NQ23.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm