Tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm

(PLO)- Khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói “dám chịu trách nhiệm chính trị ở cấp cao nhất” thì chúng ta có quyền hy vọng về sự đột phá của đội ngũ cán bộ tại TP.HCM...

Việc lập các tổ kiểm tra, giám sát để tháo gỡ tâm lý cho cán bộ an tâm làm việc, chia sẻ, động viên để cùng nhìn thấy khó khăn là một việc làm cần thiết, kịp thời của người đứng đầu hệ thống chính trị TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đặt vấn đề rất đúng khi cho rằng TP muốn xin thí điểm và thực hiện một số vấn đề, nhất là Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

“Dám làm, dám chịu trước hết phải ở cấp cao nhất”, câu nói này của Bí thư Nguyễn Văn Nên có thể hiểu rằng: Ông sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” trong câu chuyện dám nghĩ,dám làm. Rõ ràng nếu người đứng đầu hệ thống chính trị dám chịu trách nhiệm thì đảng viên, cán bộ, công chức… trong hệ thống sẽ có một điểm tựa vững chắc để dám đổi mới, sáng tạo.

Bởi từ lâu Đảng đã đặt ra nhiều quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo phương châm “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã đề cập.

Chẳng hạn như Quy định 08/2018 của Trung ương yêu cầu ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương rằng: “Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách”.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng còn xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu… dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung…”. Cơ sở chính trị vững vàng này chính là điều kiện cần để Bí thư Thành ủy TP.HCM có thể không chỉ thí điểm Kết luận 14/2021 mà còn có thể góp phần thể chế hóa quan điểm này.

Tất nhiên, có thể còn có những việc cần phải làm thêm để tuyên ngôn ấy trở thành hiện thực và trường tồn. Chẳng hạn, TP sẽ cần sử dụng hiệu quả những cơ chế tham vấn hiện có, sử dụng hiệu quả các chuyên gia mà TP đang sở hữu hoặc hoàn toàn có thể lập một tổ chuyên gia độc lập, giống như Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng làm. Điều ấy vừa tận dụng chất xám, thế mạnh nhân lực tinh hoa của TP, vừa giúp người đứng đầu và hệ thống chính trị TP có cái nhìn khách quan về những khó khăn, vướng mắc cả về thể chế luật pháp lẫn thực tiễn hiện nay.

Khi nhận diện rõ các thách thức cả khách quan, chủ quan thì chắc chắn các giải pháp sẽ mang tính khả thi hơn, thuyết phục hơn.

Nhìn rộng ra, câu chuyện của TP.HCM về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hôm nay cũng là câu chuyện của cả nước. Khi Bí thư Nguyễn Văn Nên nói “dám chịu trách nhiệm chính trị ở cấp cao nhất” thì chúng ta có quyền hy vọng về sự đột phá của đội ngũ cán bộ tại TP.HCM. Vì như Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới