Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu tiếp tục làm rõ 1 công ty du lịch triệt phá rừng dương

(PLO)- Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu phải làm rõ việc Công ty TNHH Du lịch Cam Bình chặt hạ trái phép cây rừng; chấp nhận nộp phạt để sử dụng không gian, diện tích nơi cây rừng đã bị triệt hạ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, nguồn tin của PLO cho biết, liên quan đến vụ một dự án du lịch tự ý phá rừng dương phòng hộ trái phép, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vừa yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo vụ việc.

Rừng phi lao bị triệt hạ trái phép, nhiều gốc có đường kính khá lớn. Ảnh PĐ.

Rừng phi lao bị triệt hạ trái phép, nhiều gốc có đường kính khá lớn. Ảnh PĐ.

Theo Sở NN&PTNT, ngày 28-5-2022, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh qua bài viết “1 khu du lịch ở Bình Thuận phá rừng dương phòng hộ trái phép”; lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND thị xã La Gi khẩn trương nắm bắt thông tin để chỉ đạo tham mưu xử lý theo quy định.

Giám đốc Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn hỏa tốc chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng xác định cụ thể hành vi và hoàn thiện hồ sơ vi phạm để xử lý nghiêm, đồng thời Chủ tịch UBND thị xã La Gi cũng đã có Công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý.

Theo kết quả được Chi cục Kiểm lâm thực hiện và báo cáo thì tổng số cây phi lao (thuộc nhóm V - gỗ thông thường) trong khu vực dự án của Công ty TNHH Du lịch Cam Bình quản lý đã bị tác động trái pháp luật là 49 cây, với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 21,866 m3.

Trong đó đó 29 cây nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc tiểu khu 417, đối tượng rừng sản xuất, tổng khối lượng bị thiệt hại 13,516 m3; 20 cây nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, tổng khối lượng bị thiệt hại là 8,350 m3.

Qua điều tra của cơ quan chức năng thì người chịu trách nhiệm trực tiếp và liên đới đến hành vi vi phạm gồm: Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trần Kiên là người đã trực tiếp thuê ông Lê Văn Bằng, ngụ xã Tân Phước, thị xã La Gi cắt hạ 49 cây phi lao trái phép.

Ông Phan Tiến Hải (đại diện Công ty TNHH Du lịch Cam Bình, đơn vị chủ dự án) người ký hợp đồng thi công xây dựng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trần Kiên.

Ngoài ra Ban quản lý khu du lịch Cam Bình, trực thuộc Ban quản lý dự án thị xã La Gi cũng liên đới trách nhiệm trong việc thiếu sót giám sát quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng nên để xảy ra sự việc nêu trên.

Lực lượng Công an, Kiểm lâm tại hiện trường. Ảnh PĐ.

Lực lượng Công an, Kiểm lâm tại hiện trường. Ảnh PĐ.

Đến ngày 9-11, theo báo cáo của Thị ủy La Gi thì Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã La Gi đã hoàn thành việc lập hồ sơ và định giá lâm sản bị khai thác trái phép tại Khu du lịch Cam Bình.

Cụ thể gỗ, củi phi lao, nhóm V do khai thác trái pháp luật trong quy hoạch lâm nghiệp ở khu du lịch Cam Bình, khối lượng gỗ 11,256 m3 và củi 2,474 ster.

Gỗ, củi phi lao, nhóm V do khai thác trái pháp luật ngoài quy hoạch lâm nghiệp ở khu du lịch Cam Bình, khối lượng gỗ 6,84 m3 và củi 0,976 ster.

Do là cây phi lao (cây dương) theo thị trường không sử dụng được vào mục đích dân dụng chỉ tận dụng làm củi nên được định giá theo giá mua thị trường chung cho các loại gỗ, củi với tổng giá trị tài sản định giá hơn 11 triệu đồng.

Căn cứ đề nghị của Hạt kiểm lâm liên huyện Hàm Tân - La Gi; Chủ tịch UBND thị xã La Gi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng cộng mức phạt tiền 241.500.000 đồng; tịch thu số gỗ, củi; tịch thu máy cưa và các vật dụng liên quan đến vụ phá rừng.

Công ty TNHH Du lịch Cam Bình đã thực hiện nghĩa vụ đóng phạt với số tiền trên.

Sau khi thông tin việc phá rừng phòng hộ nhưng chỉ bị xử phạt tiền khiến dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo người dân, rừng dương phòng hộ ven biển nói trên đã được chính quyền địa phương phối hợp trồng từ hơn 30 năm trước.

Mục đích là để phòng hộ, chống biển xâm thực, ngăn chặn cát bay vào khu dân cư. Nhiều năm qua, rừng dương xanh mát này trở thành địa chỉ thu hút rất đông du khách.

Nơi đây cũng được đưa vào diện rừng phòng hộ ven biển của thị xã La Gi, do chính quyền xã Tân Phước quản lý.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện một số biện pháp phù hợp, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp tự ý, ngang nhiên chặt hạ cây rừng rồi nộp phạt.

Trong đó phải làm rõ việc Công ty TNHH Du lịch Cam Bình chặt hạ trái phép cây rừng; chấp nhận nộp phạt hành chính để sử dụng không gian, diện tích nơi cây rừng đã bị triệt hạ.

Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu rà soát, xem xét hành vi nêu trên đã cấu thành tội hủy hoại rừng hay không và báo cáo trước ngày 15-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm