Ngày 23-11, theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng về thông tin bùng phát các ca bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc (TQ) và các cụm bệnh viêm phổi ở trẻ em tại nước này trong nhiều ngày gần đây. TQ cho biết không phát hiện mầm bệnh mới hoặc bất thường nào trong các ca nhiễm này.
Tình hình bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc ra sao?
Cụ thể, thông báo từ phía TQ cho biết dữ liệu thu thập được chỉ ra các ca bệnh mới là do nhiễm các mầm bệnh như mycoplasma pneumoniae, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và đã lây lan ở TQ từ tháng 5; virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và adenovirus - một loạt virus gây viêm phổi đã lây lan từ tháng 10, theo hãng tin Reuters.
Việc TQ bắt đầu ngưng các biện pháp phong tỏa phòng, chống COVID-19 trong năm ngoái đã tạo điều kiện để các virus này lây lan mạnh, làm gia tăng ca nhiễm. Các cơ quan chức năng đang theo dõi chặt chẽ tình hình, người dân TQ không cần phải hạn chế đi lại.
Trước đó, Ủy ban Y tế quốc gia TQ cũng đã tổ chức họp báo vào ngày 13-11 để thông báo về sự gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp ở nước này. Các cấp chính quyền được khuyến cáo tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cộng đồng, cũng như nâng cao năng lực của hệ thống y tế để quản lý bệnh nhân.
Dù vậy, theo truyền thông TQ, việc xuất hiện cùng lúc nhiều ca bệnh đang gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của nước này. Chẳng hạn, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết khoa Nhi của BV đa khoa Hàng không Bắc Kinh trong tháng qua đã phải tiếp nhận 550- 650 lượt khám trẻ em nhiễm bệnh đường hô hấp mỗi ngày. Con số này cao hơn 30%-50% so với cùng kỳ những năm trước.
Trong khi đó, hãng tin Changjiang News dẫn lời một người mẹ có con bị bệnh ở tỉnh Hồ Bắc cho biết bà dẫn con đi khám ở BV TP Vũ Hán nhưng được bảo phải đợi năm ngày sau mới tới lượt con bà vì số lượng bệnh nhân quá đông.
Trên các trang mạng xã hội TQ, nhiều cha mẹ cũng đăng tải các thông tin tương tự cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc đặt lịch hẹn ở bệnh viện. “Không chỉ ở Bắc Kinh, Trùng Khánh cũng đang gặp khó khăn. Tất cả trẻ em đều nhiễm bệnh đường hô hấp” - một người viết trên Weibo.
“Nếu Bắc Kinh không có nguồn lực y tế thì làm sao những nơi khác có thể trụ được?” - một người khác cho hay. Một số người đã kêu gọi chính quyền cho đóng cửa các trường học để bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Tờ The Beijing News dẫn lời một chuyên gia dịch tễ ở Bắc Kinh cho biết khoảng 70% ca nhiễm bệnh ở người lớn và 80% ca ở trẻ em tại TQ có dấu hiệu kháng lại các loại thuốc trị cảm cúm thông thường. Mức độ kháng thuốc ở TQ cũng cao hơn những nơi khác trên thế giới, gây khó khăn cho việc chữa trị.
Giới chuyên gia nói gì về đợt bùng phát bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc?
Theo chuyên trang y tế STAT News, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng những gì đang xảy ra ở TQ lúc này không có gì bất thường, nhiều nước khác đã trải qua tình trạng tương tự về việc tăng mạnh các ca bệnh đường hô hấp sau khi dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa COVID-19.
Giải thích thêm, các chuyên gia cho biết các biện pháp từng giúp phòng, chống COVID-19 như đeo khẩu trang, giãn cách an toàn và hạn chế di chuyển cũng giúp ngăn chặn các virus gây bệnh đường hô hấp khác lây lan trong quãng thời gian này. Sau khi ngưng áp dụng các biện pháp như vậy, các virus này trở nên dễ lây lan hơn.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Minnesota (Mỹ) Michael Osterholm cho biết: Quãng thời gian áp dụng biện pháp ngăn ngừa COVID-19 đã tạo ra một thế hệ trẻ em không có khả năng miễn dịch với các virus gây bệnh đường hô hấp nói trên. Việc hơn 90% ca bệnh mới nổi gần đây ở TQ đều là trẻ em đã chứng minh điều đó.
Ông Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền của ĐH London (Anh), cho biết: Anh, Mỹ và một số nước ở châu Âu từng chứng kiến đợt gia tăng các ca bệnh về đường hô hấp khiến hàng loạt trẻ em phải nhập viện ngay sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Đối với TQ, nước này phong tỏa lâu hơn so với phần còn lại của thế giới nên làn sóng bệnh đường hô hấp ở trẻ em cũng sẽ lớn hơn nhiều.
Ông Ben Cowling, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc ĐH Hong Kong (TQ), cho biết thêm: Làn sóng bệnh đường hô hấp ở TQ cũng như Hong Kong có thể chưa đạt đỉnh và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để so sánh, các đợt cúm và nhiễm bệnh đường hô hấp ở Hong Kong chỉ mới bắt đầu được ghi nhận vào đầu năm nay, ở TQ là vào tháng 5. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, các nước ở khu vực này không còn ghi nhận các đợt nhiễm bệnh đường hô hấp quy mô lớn từ giai đoạn cuối năm 2022.•
Việt Nam theo dõi chặt diễn biến bệnh đường hô hấp ở Trung Quốc
Cổng thông tin chính thức của Chính phủ Việt Nam cho biết Cục Y tế dự phòng, cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), cho biết đã liên hệ, trao đổi trực tiếp với đại diện WHO tại Việt Nam và cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế TQ đề nghị phối hợp, cung cấp các thông tin liên quan tới đợt bùng phát các ca bệnh về đường hô hấp tại nước này.
Thông báo từ Bộ Y tế cho biết Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các tổ chức quốc tế khác để liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh đường hô hấp tại TQ và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.