'Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khó có thể đạt mức 6%'

(PLO)- Nếu Việt Nam củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng sẽ có thể cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-9, phiên toàn thể Diễn dàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 bắt đầu bằng bài tham luận của TS. Cấn Văn Lực.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, ở kịch bản cơ sở, GDP dự báo tăng trưởng 5,2-5,5%. Nhưng nếu kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, Việt Nam tận dụng ít hơn các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới thì GDP dự báo sẽ chỉ tăng 4,4-4,5%.

ts cấn văn lực.jpeg
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trình bày bài tham luận với chủ đề “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trường hợp kinh tế thế giới sớm phục hồi, các động lực tăng trưởng mới (gồm chuyển đổi số, liên kết vùng, thúc đẩy hai động lực chính là TP Hà Nội và TP HCM) được tận dụng triệt để thì tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 5,5-6%.

"Nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng sẽ có thể cao hơn", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

Tuy vậy, mức dự báo tăng trưởng kinh tế ở ba kịch bản đưa ra đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra trước đó.

Với năm 2024-2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát về mức dưới 3% năm 2025, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam - nhận xét, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% năm 2023 "là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi, khi hai quý cuối năm phải tăng đến 9% so với cùng kỳ".

Theo ông Thành, cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Giảng viên Trường Fulbright Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5,5-5,9% nếu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao.

Vài tháng trước, các tổ chức quốc tế cũng đều điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay. Như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo GDP Việt Nam năm 2023 xuống 5,8%. Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng UOB cũng đều hạ tăng trưởng Việt Nam từ 0,8 đến 1,1% so với dự báo hồi đầu năm, do những áp lực lớn từ xuất khẩu.

diễn đàn kinh tế.jpeg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Ảnh: Minh Trúc

Để khơi thông nguồn lực kinh tế, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, trước mắt, cần "tận dụng tốt những gì có trong tay".

Cụ thể, đó là, thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu, gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế. “Việc này đang chậm quá, gây lãng phí nguồn lực”, TS. Lực nhấn mạnh.

Ở nhóm động lực mới, TS. Lực kiến nghị, cần phải hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế số; nâng năng suất lao động.

Hãy thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia. Việc này nên làm ngay để ra được cơ chế chính sách thúc đẩy năng suất. Tôi cũng đề xuất tham khảo Ban Hỗ trợ kinh tế Tư nhân vừa được Chính phủ Trung Quốc thành lập. Thúc đẩy kinh tế tư nhân xứng đáng với vai trò của nó là yêu cầu cấp bách.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Ở nhóm động lực mới, TS. Lực kiến nghị, cần phải hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế số; nâng năng suất lao động.

Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, các chính sách thúc đẩy ba động lực tăng trưởng chính (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều cần theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Thậm chí, vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm giai đoạn tới cũng cần ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm