Lạnh và đói, khát
Anh Sang kể chiều 19-7, khi vào kho lạnh làm việc trên xe nâng, anh mặc áo thun, bên ngoài là áo len và hai cái áo bảo hộ; bên trong quần bảo hộ là quần vải; đầu đội nón bảo hộ, mặt trùm khăn len, chân mang giày. Anh Sang cho biết lúc đang điều khiển xe nâng kiện hàng (pallet) cá tra phi lê xếp lên để giao ca vì đã 6 giờ chiều thì vô tình chiếc xe va chạm với kệ hàng, thế là từng kiện hàng cao hơn 10 m liên tiếp sập xuống đè lên người anh. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi anh không kịp thoát thân được. “Lúc hoàn hồn thì thấy mình nằm dưới đống hàng cá và cơ thể bị đè nghiêng một bên, trên đầu còn khoảng trống 10 cm để thở. Lúc đó tôi nghĩ đủ thứ, nghĩ về gia đình, vợ con, cha mẹ, nghĩ về công ty và nhiều lúc tuyệt vọng vì nghĩ không biết mình có sống được không” - anh Sang kể trong nước mắt.
Anh Mai Thanh Sang nói rất hạnh phúc khi mình được cứu sống. Ảnh: TÙNG SƠN
Bác sĩ BV Chợ Rẫy đang thăm khám cho anh Mai Thanh Sang. Ảnh: TÙNG SƠN
Bốn ngày nằm dưới đống cá tra đổ đè, anh nói mình không cảm thấy cóng. Anh cũng không hiểu tại sao, có lẽ do được mặc đồ bảo hộ. Nhưng anh thấy lạnh và đói khát. Những lúc đói và khát, do một tay bị tì đè, anh dùng hết sức lấy ngón tay của bàn tay còn lại chọt vào thùng carton đựng cá để lấy những giọt nước đông lạnh trong bịch cá rỉ ra và đưa vào miệng liếm nó để sống. Liếm nước xong anh ngủ. Anh không nhớ mình liếm những “giọt sống” bao nhiêu lần, anh chỉ nhớ là sau khi liếm anh kêu cứu nhưng không có hồi âm, rồi mệt quá lại ngủ. Anh nói không biết mình đã ngủ bao nhiêu giấc và trải qua mấy ngày đêm vì không còn ý niệm thời gian cho đến khi được cứu sống.
Nằm trong kho lạnh bốn ngày, năm đêm
Công nhân Mai Thanh Sang được tìm thấy vào khoảng 23 giờ 45 ngày 23-7 khi đang nằm kẹt dưới các kệ hàng hóa (pallet) trong kho cấp đông của Công ty CP Vạn Ý. Tính từ lúc xảy ra sự cố sập kệ hàng vào chiều 19-7 cho đến khi được tìm thấy, anh Sang phải nằm trong kho lạnh bốn ngày, năm đêm. Khi được lực lượng cứu hộ tìm thấy và giải thoát ra ngoài, anh Sang đã kiệt sức, thân nhiệt rất thấp, hai chân tê cứng…
Sau mấy ngày tìm kiếm không kết quả, bà Nguyễn Thị Tú (mẹ ruột anh Sang) và những người thân trong gia đình gần như tuyệt vọng. “Nhà cũng chuẩn bị tư tưởng làm đám tang cho nó vì tìm kiếm lâu quá rồi. Nhưng tôi có niềm tin và hy vọng nó còn sống. Khi kiếm xác con, phát hiện nó còn sống tôi mừng hết biết” - bà Tú nói.
Hiện phía Công ty CP Vạn Ý hỗ trợ ban đầu cho anh Sang 10 triệu đồng; trước mắt lo toàn bộ chi phí điều trị cho anh. Được biết anh Sang có vợ và một con nhỏ, cuộc sống còn khó khăn.
D.TÍNH - P ĐIỀN - V.LINH - G.TUỆ
Sức khỏe anh Sang đã ổn định Ngày 25-7, BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết công nhân Mai Thanh Sang (23 tuổi, ở Đồng Tháp) được chuyến đến BV vào khuya 24-7 trong tình trạng mạch, nhiệt độ ổn định nhưng bị bỏng hai bàn chân, ngón chân và lở loét một số vùng da bụng. BV đã tiến hành các xét nghiệm và kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép. Hiện sức khỏe anh Sang ổn định. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi sự tím tái các đầu chi dưới, bàn chân dù đã có dấu hiệu hồi phục. “Chúng tôi đã hội chẩn và tiếp tục làm xét nghiệm xem việc tưới máu vùng chân bệnh nhân như thế nào để có hướng điều trị tiếp” - BS Đạo nói. Cũng theo BS Đạo, thông thường sự tím những đầu chi trong bỏng lạnh được chẩn đoán là độ 3. Bỏng lạnh xảy ra trên những người sống vùng lạnh, tiếp xúc với không khí trên 0oC kéo dài. Ngoài ra, người sống ở nhiệt độ 1oC-4oC trong môi trường ẩm ướt cũng gây ra bỏng lạnh. Ở Việt Nam những người làm ở hầm đông đá bảo quản hải sản thì dễ bị. Về cơ chế gây bỏng lạnh, theo BS Đạo nhiệt độ cơ thể người dao động từ 32oC đến 37oC. Khi nhiệt độ hạ thấp xuống thì gây nên hạ thân nhiệt, co mạch. Do vậy những nơi không được che phủ như đầu ngón tay, chân, mặt, mũi… sẽ tím tái, nếu kéo dài sẽ gây ra chết tế bào, hoại tử. Ngoài ra, bỏng lạnh còn gây tổn thương đa cơ quan. Do vậy, mỗi người tùy theo thể trạng, sức khỏe và nhiệt độ sẽ chịu những tổn thương khác nhau. |