Ngày 22-12, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Google (CEO) Sundar Pichai đã có buổi nói chuyện với doanh nghiệp (DN), sinh viên, các bạn trẻ cộng đồng Startup (công ty khởi nghiệp). Sự kiện này được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam trong việc khởi nghiệp.
“Tôi luôn nỗ lực thăng tiến bản thân mỗi ngày. Tất nhiên, tôi cũng mắc sai lầm và tôi ước gì mình không mắc những sai lầm ấy” - CEO của Google chia sẻ.
Doanh thu tại Việt Nam hàng tỉ USD
Với các bạn trẻ Việt Nam, ông Pichai khuyên hãy lắng nghe trái tim và quyết tâm làm đến cùng một việc nếu có đam mê.
Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, ông Pichai cho rằng sẽ rất hữu ích nếu được làm việc với những người giỏi, người xuất sắc. “Làm việc với người giỏi, đó là một cơ hội tốt để phát triển bản thân” - ông Pichai nói.
Theo ông Pichai, ở Google, mọi người gặp gỡ, trao đổi hằng tuần, tương tác với nhau thường xuyên. “Tôi hạnh phúc khi thấy đồng nghiệp của tôi phát triển được những sản phẩm mới. Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để làm việc chung với đồng nghiệp” - ông Pichai cho hay.
Trả lời câu hỏi: Người Việt có thể học hỏi gì từ người Ấn Độ, ông Pichai nói sự thành công hiện nay mang tính chất toàn cầu. Nhiều người ở các nước đã sang Ấn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Ông Sundar Pichai trong buổi giao lưu với các startup Việt Nam ngày 22-12. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người. Đây là cơ hội lớn và các bạn cần nắm bắt thị trường trong nước trước rồi hãy vươn ra thế giới. Tôi cho rằng thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và tương lai sẽ rất phát triển” - ông Pichai nhận định.
Nói về sự thành công của Google tại thị trường Việt Nam, ông Pichai cho hay nó được thể hiện qua doanh thu hàng tỉ USD/năm. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ việc Google, ngay từ những ngày đầu đã làm việc chăm chỉ và xung quanh Google có những công ty khởi nghiệp, cạnh tranh và vươn tới thành công. “Công ty lớn có lợi thế riêng nhưng công ty nhỏ cũng có lợi thế. Đối với công ty nhỏ trong lĩnh vực CNTT, phát triển phần mềm là một trong những lợi thế” - ông Pichai gợi ý.
Google muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Trả lời câu hỏi về thách thức của vị trí CEO ở Google, ông Pichai cho biết: “Tôi chưa nghĩ đến những thách thức, tôi chỉ cảm thấy đang có cơ hội để làm một công việc tuyệt vời, có ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên thế giới”.
Theo ông Pichai, tại Việt Nam, công cụ tìm kiếm Google đã trở nên rất phổ biến, ngày càng phát triển. Thị trường trên 90 triệu người và tỉ lệ người dùng Internet lớn là một trong những lợi thế của các DN CNTT của Việt Nam.
Nói về Google, ông Pichai cho hay Google là một tập đoàn lớn, vừa có tính dân chủ vừa có tính “quan liêu” nhất định. “Tôi nghĩ nếu nhóm làm việc có bất đồng sẽ khó thành công. Sự đồng quan điểm của Google mang lại hiệu quả rất cao. Đồng thời sự minh bạch của chúng tôi về công việc, trách nhiệm với cổ đông và với xã hội là một trong những đặc trưng giúp Google phát triển” - ông Pichai nói.
Ông Pichai khẳng định: Google muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam. “Nhưng để hợp tác với Việt Nam, chúng tôi cần hiểu cộng đồng người Việt cũng như DN Việt. Đó chính là lý do khiến tôi sẽ tiếp tục đến Việt Nam tìm hiểu trong tương lai” - ông Pichai nói.
Ông cũng cho biết hiện Google có nhiều chương trình, dự án cần phát triển và hợp tác. Việt Nam là một trong những nơi mà Google chọn để phát triển.
Nói về bản thân, ông Pichai cho biết ông thường đi ngủ muộn và ngủ khoảng 6-7 tiếng/ngày. Buổi sáng, ông thức dậy, chơi với con, đọc email. Những cuộc họp trong ngày chiếm nhiều thời gian nhưng ông cũng cố gắng dành thời gian để xem những sản phẩm mới cũng như kế hoạch phát triển chúng.
“Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái quá bận và chôn mình trong công việc. Thế nên cần phải xây dựng được kế hoạch làm việc trong vòng ba tháng và đảm bảo được kế hoạch đó. Đồng thời phải tự biết tạo cảm hứng trong công việc” - ông Pichai chia sẻ.
Google hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam Ngày 22-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Google Sundar Pichai, theo TTXVN. Thủ tướng đánh giá cao tên tuổi, thương hiệu toàn cầu của Google, nhất là việc đóng góp của Google vào việc phổ biến tri thức, nâng cao cơ hội tiếp cận thông tin, giáo dục cho người dân trên thế giới, góp phần cho sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như các quốc gia. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn CNTT lớn của thế giới, trong đó có Google đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Google hỗ trợ và mở rộng hợp tác với các đối tác tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, ông Sundar Pichai đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển ngành CNTT và cho rằng với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Google sẽ có cơ hội lớn để hợp tác và mở rộng hơn nữa hoạt động tại Việt Nam. Sắp tới, Google sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia CNTT của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục-đào tạo. Theo khảo sát, lượng sử dụng công cụ tìm kiếm Google phục vụ cho mục đích lấy thông tin và giáo dục của người dân Việt Nam cao gấp ba lần mức trung bình của toàn thế giới. “Google tin tưởng Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của mình và chúng tôi cam kết làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam” - tổng giám đốc điều hành Google nói. Google là công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Giá trị vốn hóa trên thị trường của tập đoàn này ước tính khoảng 367 tỉ USD. Ông Sundar Pichai sinh năm 1972 tại Ấn Độ, gia nhập Google vào năm 2004. Ông được giao trọng trách tổng giám đốc Google từ tháng 8-2015. Hiện ông giữ vai trò định hướng phát triển cho Google Toolbar và Google Chrome, những sản phẩm chủ lực của “gã khổng lồ” Google với hàng trăm triệu người sử dụng. Năm 2014, ông quản lý bộ phận sản phẩm, kỹ thuật và nghiên cứu cho tất cả sản phẩm và nền tảng công nghệ của Google, bao gồm Google tìm kiếm, Maps, Communications, Google Play, Commerce; các giải pháp dùng nền tảng đám mây cho người tiêu dùng, DN và ngành giáo dục, được biết đến với tên gọi Google Apps và Cloud Platform… |