Bên hành lang Quốc hội sáng 1-6, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã giải thích và đưa ra quan điểm về phản ứng của một số đơn vị về kết quả kiểm toán.
Báo chí đặt câu hỏi về việc nhiều đơn vị như Bộ Ngoại giao, Bộ KH&ĐT, một số bệnh viện đã phản ứng với kết quả kiểm toán mới đây được công bố.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói quá trình kiểm toán phải tuân thủ đúng pháp luật, quy trình. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho rằng: “Quá trình kiểm toán thực hiện đúng chuẩn mực và quy trình của kiểm toán. Họ nói như thế là chứng tỏ thứ nhất là họ không trung thực hoặc họ thiếu trách nhiệm vì KTNN trong quá trình thực hiện kiểm toán đã có sự trao đổi”.
Ngoài ra, ông Hồ Đức Phớc thông tin: Sau khi thực hiện kiểm toán thì các đơn vị được kiểm toán có sự chứng kiến và KTNN cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị giải trình.
“Sau đấy KTNN mới tiến hành lên dự thảo báo cáo. Dự thảo phải qua các kiểm soát về tổ kiểm soát; chất lượng kiểm toán; rồi thông qua tổ, thông qua đoàn sau đấy mới hội đồng cấp vụ duyệt, rồi đại diện của KTNN, có thể là tổng kiểm toán hoặc là phó tổng kiểm toán mới duyệt lại lần cuối cùng” - ông Hồ Đức Phớc giải thích.
Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, tất cả kết luận phải có bằng chứng gồm văn bản, biên bản làm việc, biên bản của tổ, chứng từ hồ sơ...
Về những phản ứng từ các đơn vị được kiểm toán, ông Hồ Đức Phớc cho rằng: “Có thể là họ không trực tiếp (theo dõi quá trình kiểm toán - PV) hoặc họ thiếu trách nhiệm, sai rồi lại không chịu sửa”.
Đặc biệt, ông Hồ Đức Phớc cho rằng: “Luật Kiểm toán đã quy định: Các đơn vị được kiểm toán nếu không đồng tình có thể kiện ra tòa. Thế thì họ cứ kiện thoải mái!”.
Báo chí đặt câu hỏi liệu có phải những vấn đề gì KTNN và đơn vị được kiểm toán thống nhất được với nhau thì mới đưa vào báo cáo kiểm toán hay không.
Ông Hồ Đức Phớc nói các đơn vị nào không đồng tình với kết quả kiểm toán thì có thể thoải mái kiện ra tòa. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Hồ Đức Phớc nói: “Đương nhiên. Nhưng về phía KTNN bao giờ cũng đề nghị đơn vị được kiểm toán giải trình, hết sức dân chủ. Mình đi đến tận cùng, gốc rễ của sự việc, xem thử anh giải trình việc này thế nào, có đúng luật không. Sau giải trình của anh thì tôi đưa ra bằng chứng, thậm chí là có tranh luận với nhau. Còn khi đã có kết luận là KTNN chịu trách nhiệm về kết luận của mình”.
Về những phản ứng của Bộ KH&ĐT liên quan đến kết quả kiểm toán mới đây, ông Hồ Đức Phớc cho rằng: “Phản ứng của Bộ KH&ĐT tôi cho là cũng không đúng. Ở đây chúng tôi mới nói chuyện thủ tục sai, thẩm quyền trong quá trình tiến hành không đúng, chưa nói đến trách nhiệm về thất thoát, lãng phí”.
Giải thích cụ thể, ông Hồ Đức Phớc cho rằng với 18 dự án mà Bộ KH&ĐT phản ứng thì KTNN kết luận là không đúng.
“Bởi vì khi phân bổ họ (Bộ KH&ĐT - PV) ghi theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. KTNN hỏi rõ là nếu làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì văn bản nào, công văn nào, hay thông báo làm việc nào hoặc chẳng hạn bút phê nào thì không có. Vậy là họ làm không đúng rồi chứ còn gì nữa” - ông Hồ Đức Phớc nói.
Nhờ Quốc hội, Chính phủ làm trọng tài Trước đó, KTNN kết luận trong quyết toán ngân sách năm 2015 đã đưa ra nhiều tồn tại, hạn chế và yêu cầu Bộ KH&ĐT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan vụ việc tự ý bố trí kế hoạch vốn cho 18 dự án không có cơ sở. Ngày 30-5, Bộ KH&ĐT đã mời một số cơ quan báo chí đến để thông tin thêm. Với 18 dự án được KTNN kết luận bố trí vốn không có cơ sở, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho rằng: “Chúng tôi khẳng định không sai phạm và đã giải trình với KTNN hai lần. KTNN có quan điểm riêng nên họ giữ quan điểm, chúng tôi cũng chịu thua. Chúng tôi báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để làm trọng tài phân giải”. |