Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến Kiev

(PLO)- Chuyến thăm của ông Biden đến Kiev được giữ bí mật do những lo ngại về an ninh, diễn ra vào thời điểm được xem là then chốt của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kiev (Ukraine), theo đài CNN. Ông Biden đã rời Kiev đầu giờ chiều 20-2 (giờ địa phương). Chuyến thăm Kiev của ông Biden diễn ra sau rất nhiều lần Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngỏ lời mời ông sang thăm để quan sát kỹ tình hình. Lần đầu tiên ông Zelensky mời ông Biden sang thăm Kiev là một năm trước, thời điểm Nga đang tăng quân ở biên giới. Tuần trước, ông Zelensky nhắc lại lời mời này. Ông Zelensky đã tới Mỹ vào tháng 12-2022 và phát biểu tại Quốc hội Mỹ.

Các video trên mạng xã hội cho thấy ông Biden đã đi dạo với ông Zelensky tại Quảng trường St Michael ở Kiev giữa lúc còi báo động liên tục vang lên khắp phần lớn đất nước. Tại nhà thờ St Michael, ông Biden đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm những binh sĩ Ukraine thiệt mạng ở trung tâm quảng trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) thăm nhà thờ St. Michael ở thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 20-2. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) thăm nhà thờ St. Michael ở thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 20-2. Ảnh: REUTERS

Chuyến đi được giữ bí mật trong 24 giờ

Chuyến đi của Tổng thống Biden tới Kiev ngày 20-2 đã được giữ bí mật, theo CNN. Điều này phản ánh những lo ngại về an ninh nghiêm trọng khi một nguyên thủ quốc gia đến thăm một vùng chiến sự đang hoạt động.

Lịch trình công khai của ông Biden đến châu Âu không đề cập điểm đến Kiev và tuần trước các quan chức Nhà Trắng đã nhiều lần nói rằng việc thăm Ukraine không nằm trong kế hoạch. Vào tối 19-2, trước khi khởi hành, ông Biden đi ăn tối với phu nhân ở thủ đô Washington D.C. Ông không xuất hiện trước công chúng nữa cho đến khi đến Kiev vào sáng 20-2.

Chiếc Không lực Một rời căn cứ hỗn hợp Andrews (Mỹ) trong bóng tối lúc 4 giờ 15 ngày 19-2 (giờ địa phương). Các PV trên máy bay không được phép mang theo thiết bị điện tử. Tháp tùng ông Biden là một đoàn tùy tùng tương đối nhỏ, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Phó Chánh văn phòng Jen O’Malley Dillon và trợ lý cá nhân Annie Tomasini.

Ukraine là một khu vực chiến tranh đang hoạt động mà quân đội Mỹ không kiểm soát, khiến chuyến thăm hôm 20-2 khác với các chuyến đi trước đây của một vị tổng thống Mỹ tới Iraq hoặc Afghanistan, theo CNN. Hồi đầu năm, các quan chức Nhà Trắng đã nhiều lần loại trừ khả năng thăm Ukraine.

Theo CNN, ông Biden đã nóng lòng đến thăm Ukraine trong nhiều tháng, đặc biệt là sau khi một số người đồng cấp của ông ở châu Âu đều thực hiện các chuyến tàu dài để đến Kiev gặp ông Zelensky. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, cũng như cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đã đến thăm Ukraine để thể hiện sự ủng hộ.

Một số phụ tá hàng đầu của ông Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đến thăm Kiev và cam kết hỗ trợ. Nhiều quan chức chính quyền cấp cao như Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng đã đến thăm Kiev vào tháng trước. Năm ngoái, đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới một TP nhỏ ở vùng xa xôi phía tây nam của Ukraine.

Sau khi thăm Ukraine, ông Biden dự kiến sẽ tiếp tục đến thăm Ba Lan. Ông sẽ gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda và các đồng minh Đông Âu cũng như tiếp tục thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Mỹ cam kết sát cánh, tiếp tục viện trợ Ukraine

Chuyến thăm của ông Biden đến Kiev diễn ra vào thời điểm được xem là then chốt của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cuộc xung đột đã kéo dài tròn một năm, Ukraine đang chuẩn bị cho các hoạt động quân sự mới và kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng tốc chuyển giao vũ khí, theo tờ Financial Times.

Trong cuộc hội đàm với ông Zelensky, ông Biden tái khẳng định về “điều quan trọng” là “không có bất kỳ nghi ngờ nào về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine trong cuộc chiến”. “Tôi ở đây để thể hiện sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” - theo ông Biden.

Phần mình, ông Zelensky cảm ơn ông Biden đã đến Kiev “vào thời điểm quan trọng đối với đất nước” Ukraine. Theo ông Zelensky, một mục tiêu thảo luận của ông với ông Biden là “phải làm gì để chấm dứt chiến tranh, giành thắng lợi trong cuộc chiến này và làm thế nào để giành chiến thắng trong năm nay”.

Trong chuyến thăm, ông Biden công bố khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn, tên lửa và lựu pháo. Dù vậy, gói viện trợ này dường như không bao gồm các khí tài như máy bay chiến đấu hoặc tên lửa tầm xa mà Ukraine kỳ vọng lâu nay. Đến nay, số tiền Mỹ hỗ trợ cho Ukraine đã lên tới 30 tỉ USD. Ông Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với giới tinh hoa của Nga và các công ty hỗ trợ cho quân đội Nga.

Theo tờ The New York Times, một số quan chức Mỹ đã xác nhận chuyến đi của ông Biden đến Kiev là sự tiếp nối nỗ lực của ông nhằm củng cố sự ủng hộ của liên minh phương Tây với Ukraine. Hiện liên minh phương Tây được cho là đang gặp nhiều vấn đề sau một năm xung đột Nga - Ukraine và ông Biden đang chịu áp lực từ nhiều phía. Dù vậy, giới chức Mỹ bác ý tưởng rút lại sự ủng hộ đối với Ukraine.

“Tổng thống Biden sẽ nói rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine, như ông ấy nói nhiều lần, cho đến chừng nào còn cần thiết” - phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định.•

Nga phản đối việc phương Tây gửi vũ khí cho Ukraine

Chưa có phản ứng từ phía Nga với chuyến thăm của ông Biden đến Kiev. Tuy vậy, theo đài RT ngày 20-2, Nga trước sau vẫn cảnh báo rằng việc “tràn ngập” vũ khí ở Ukraine sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và chỉ dẫn đến nhiều thương vong hơn và vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.

RT dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga ngày 20-2 rằng các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí hạng nặng kể từ tháng 12-2021, bao gồm 440 xe tăng và 1.510 xe chiến đấu bộ binh. Ukraine cũng đã nhận được 1.170 hệ thống phòng không và 655 hệ thống pháo, cũng như 9.800 tên lửa cho các bệ phóng tên lửa di động. Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga khẳng định rằng “hầu hết thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp đã bị lực lượng Nga phá hủy”.

Nga nhiều lần cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây để sát hại dân thường. Trao đổi với hãng tin TASS ngày 20-2, ông Aleksandr Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Nga, nói rằng khoảng 5.000 người đã thiệt mạng ở vùng Donbass (Đông Ukraine) kể từ năm 2014, cùng gần 9.000 người bị thương. Nhìn chung, hơn 120.000 người được xác định là nạn nhân của các tội ác do lực lượng Ukraine gây ra, ông Bastrykin cáo buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm