Truyền thông quốc tế những ngày gần đây xôn xao với cái gọi là “Tài liệu Panama” được tung ra từ ngày 4-4 bởi Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ). “Tài liệu Panama” gồm những thông tin chấn động thu được từ hơn 11,5 triệu trang tài liệu, chứa đựng thông tin hoạt động chi tiết của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca ở Panama trong suốt 40 năm qua.
Theo Tài liệu Panama, bạn của ông Putin là doanh nhân - nghệ sĩ chơi đàn cello Sergei Roldugin đã âm thầm thành lập công ty nước ngoài với những giao dịch tiền tệ hàng tỉ USD được cho là có liên quan đến ông Putin, theo Reuters.
Tổng thống Nga Putin khẳng định không có dấu hiệu tham nhũng nào liên quan tới Nga trong Tài liệu Panama. Ảnh: Reutuers
Trong bài phát biểu tại thành phố St. Petersburg (Nga) ngày 7-4, ông Putin đã lần đầu lên tiếng về “Tài liệu Panama” và cho biết mục đích của vụ rò rỉ này là nhằm gây bất ổn nước Nga bằng cách thêu dệt những cáo buộc tham nhũng.
“Những kẻ thù của chúng ta luôn lo sợ trước sự đoàn kết của nước Nga. Họ ra sức phá hoại sự đoàn kết đó để khiến chúng ta yếu mềm hơn” - Tổng thống Putin bình luận.
“Có một người bạn của Tổng thống Nga, ông ấy làm một việc và có thể có dấu hiệu tham nhũng. Nhưng hoàn toàn không có tham nhũng ở đây” - ông Putin nói bác bỏ cáo buộc và khẳng định như vậy.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định ông Sergei Roldugin không làm gì sai trái và đã chi hết số tiền kiếm được từ một công ty có cổ phần để sắm nhạc cụ đắt tiền.
Ông Putin mô tả ông Roldugin là một nghệ sĩ tài ba và là một cổ đông nhỏ trong một công ty Nga, kiếm được một số tiền từ công ty này nhưng không phải đến “hàng tỉ USD”.
Ông Putin nói rằng ông Roldugin chi gần hết số tiền kiếm được từ công ty để mua sắm những nhạc cụ đắt tiền ở nước ngoài mang về Nga tặng cho các nhạc viện. “Tôi tự hào có một người bạn như ông” - Tổng thống Putin nói.
Trước đó, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga cũng đã bác bỏ những cáo buộc từ Tài liệu Panama, khi nói rằng mục tiêu của tài liệu Panama là nhằm chống phá ông Putin.
Theo ông Peskov, những nhà báo đứng sau hồ sơ Panma bao gồm nhiều cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục tình báo trung ương Mỹ và các cơ quan tình báo khác.
Tài liệu Panama cho thấy ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” nhằm che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác.