Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản đối ‘tối hậu thư’ gửi Qatar

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 25-6 đã lên tiếng chỉ trích yêu sách của các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh đòi đóng cửa căn cứ quân sự của nước này tại Qatar. Ông cũng phản pháo bản danh sách 13 yêu cầu của bốn nước Ả Rập đối với Qatar là một hành động can thiệp bất hợp pháp vào chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết cứng rắn

Hãng tin Reuters đánh giá đây là phát biểu ủng hộ Qatar cứng rắn nhất trong ba tuần qua của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất nhiều thập niên qua nổ ra tại vùng Vịnh ngày 5-6. Người đứng đầu chính quyền Ankara cũng chỉ trích yêu sách đòi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân là thiếu tôn trọng với nước này, đồng thời ủng hộ chính quyền Doha phản đối yêu sách.

Bốn quốc gia gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã nêu 13 yêu sách Qatar cần đáp ứng để dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong danh sách đó bao gồm đóng cửa đài truyền hình quốc tế Al Jazeera, cắt giảm quan hệ với Iran, bồi thường các khoản thiệt hại và đóng cửa căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại Istanbul ngày 25-6, ông Erdogan cho biết: “Chúng tôi ủng hộ và rất biết ơn đối với lập trường của Qatar phản đối danh sách 13 yêu cầu này. Những yêu sách này đi ngược lại luật pháp quốc tế. Không ai được công kích hoặc can thiệp vào chủ quyền nước khác”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không đồng tình với các yêu sách gỡ bỏ cô lập Qatar. Ảnh: EPA

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là các cường quốc khu vực mạnh nhất ủng hộ Qatar trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Kể từ khi Qatar bị các nước láng giềng cấm vận, đóng cửa biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đến nước này khoảng 100 chuyến bay hàng hóa tiếp tế.

Việc gửi quân đến Qatar cũng đang được chính quyền Ankara tăng tốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hai đơn vị quân cùng xe thiết giáp đến Qatar. Tại Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik ngày 23-6 khẳng định sẽ tăng thêm quân và cương quyết không “đánh giá lại” thỏa thuận hợp tác quân sự với Doha. Dự kiến sẽ có 1.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng một đơn vị không quân được bố trí tại Qatar.

Vùng Vịnh không chịu lui

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash ngày 24-6 khẳng định ưu tiên hàng đầu là giải quyết khủng hoảng với Qatar qua con đường ngoại giao. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu Doha không chấp thuận các yêu sách thì hệ quả “không là leo thang quân sự nhưng sẽ phải “chia tay” vì quá khó để các nước duy trì một tập thể thống nhất”. Ông Garash nhấn mạnh nếu trong 10 ngày Doha không đáp ứng “tối hậu thư”, nước này sẽ bị cô lập.

Liên minh cô lập Qatar đã cắt quan hệ và giao thông với đất nước vùng Vịnh, vì thế nhiều khả năng nhóm này sẽ tìm cách loại Qatar khỏi một số tổ chức quốc tế và khu vực khác để tăng áp lực cô lập. Ngoại trưởng UAE đồng thời chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ điều thêm quân tới Qatar là “leo thang vô nghĩa” và yêu cầu Ankara “hành động phải phép” vì “lợi ích của đất nước chứ đừng vì các tư tưởng bè phái”.

Ông Ibrahim Fraihat, chuyên gia về quản lý xung đột tại Học viện Doha, đánh giá: “Với những kỳ vọng và yêu cầu phi lý như vậy thì quá khó để đàm phán”. Ông khẳng định các bất đồng đã vượt khỏi phạm vi vấn đề khủng bố hay Iran mà lấn sang cả quyền tự do báo chí không chỉ của Qatar mà của khu vực. Nhận định lập trường giữa các bên vẫn còn “lỗ hổng quá lớn” ngăn cách, Fraihat cho rằng quốc gia điều phối trung gian Kuwait sẽ cần “nỗ lực ngoại giao rất lớn để thiết lập cầu nối trong nhiều tháng trời”.

Ngày 25-6, ông Erdogan cũng tiết lộ từng đề nghị trực tiếp với quốc vương Saudi Arabia một thỏa thuận xây dựng căn cứ quân sự và được nước này hứa “sẽ xem xét”. Ông Erdogan cho biết: “Kể từ ngày đó đến nay họ không có phản hồi gì”.

_________________________

Yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân (khỏi Qatar) là một hành động thiếu tôn trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông RECEP TAYYIP ERDOGAN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  phát biểu ngày 25-6

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm