Tổng thư ký NATO đề xuất cải tổ liên minh

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ trình bày kế hoạch hiện đại hóa và cải tổ liên minh vào ngày 16-2, sau những xích mích với Mỹ và phải đối mặt với những thách thức quân sự từ Trung Quốc và Nga.

Căng thẳng giữa NATO và Washington đã gia tăng trong suốt bốn năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Vì vậy, ông Stoltenberg quyết định đề ra tám lĩnh vực mà NATO có thể cải tổ lại trong trung hạn, từ biến đổi khí hậu đến nguồn tài trợ bền vững hơn cho các hoạt động quân sự.

Xe tăng PT-91 của quân đội Ba Lan thuộc nhóm chiến đấu của NATO tham dự  cuộc tập trận ở Adazi, Latvia ngày 8-5-2020. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến xem xét các đề xuất cải tổ trên tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels sẽ diễn ra trong năm nay, hãng tin Reuters cho biết.

Liên minh cũng sẽ tìm cách để thuyết phục người kế nhiệm ông Trump - Tổng thống Joe Biden - ủng hộ NATO trở lại, xoa dịu sự thất vọng của các đồng minh khi cho rằng liên minh đã thất bại trong việc bảo đảm sự phối hợp giữa các nước về mặt chính trị.

Trước đó, vào cuối năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định NATO đang dần “mất khả năng kiểm soát” của mình, sau khi một thành viên của liên minh này là Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công nhằm vào nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn ở Syria.

“Chúng tôi có một cơ hội duy nhất để cải tổ liên minh và củng cố mối liên kết xuyên Đại Tây Dương” - Tổng thư ký NATO tuyên bố hôm 15-2, đề cập đến tầm nhìn của NATO tới năm 2030.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: REUTERS

Ngoài việc tìm cách đối mặt với thách thức từ Trung Quốc và Nga, ông Stoltenberg sẽ đề xuất tổ chức thêm nhiều cuộc họp thường xuyên giữa những nhà lãnh đạo và cố vấn an ninh quốc gia các nước thành viên, đồng thời tìm cách giảm thiểu tác động an ninh do biến đổi khí hậu và khí thải carbon.

Tổng thư ký NATO cho rằng các quốc gia cần cùng nhau đóng góp khoản tài trợ cho các hoạt động răn đe quân sự của mình thay vì việc một đồng minh phải chịu mọi chi phí triển khai như ở thời điểm hiện tại.

"Tổng thư ký đang suy nghĩ tìm cách để chúng ta có thể bảo đảm nguồn tài trợ bền vững và công bằng hơn, vì đây là những hoạt động cần thiết cho an ninh của chúng ta" - một quan chức NATO chia sẻ.

NATO hiện đang đứng trước một số cuộc khủng hoảng trên thế giới trong khi phải chịu áp lực từ chính quyền Washington, thúc đẩy liên minh này xem xét lập trường của mình trước mối nguy Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm