TP.HCM cần làm gì để sớm đạt miễn dịch cộng đồng?

TP.HCM hiện đang đứng trước “bài toán” phân bổ, tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Trong bối cảnh khan hiếm vaccine, nguồn lực tổ chức tiêm có hạn thì TP cần có chiến thuật phân bổ, tổ chức quy trình tiêm... một cách bài bản, hiệu quả.

Tiêm vaccine lưu động cho người dân TP Thủ Đức, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Vaccine + giãn cách = Miễn dịch cộng đồng

Câu hỏi đầu tiên mà chúng ta quan tâm đó là: Làm thế nào để TP.HCM đạt miễn dịch cộng đồng? Trả lời một cách dễ hiểu, miễn dịch cộng đồng diễn ra khi có “một tỉ lệ nhất định” người dân TP có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 nhờ vào tiêm chủng và (hoặc) đã mắc COVID-19 trước đó. Khi đó, dịch bệnh sẽ không thể lây lan và bùng phát mạnh mẽ.

Vậy “một tỉ lệ nhất định” là bao nhiêu? Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc), tùy vào cách tính toán mà tỉ lệ này có thể dao động từ 30% đến 83%. Điều đáng nói là con số này phụ thuộc vào hai thông số khác: (a) Hệ số lây lan trong cộng đồng; và (b) hiệu quả của vaccine.

Hiểu đơn giản, hệ số lây lan là số người dự kiến bị lây nhiễm COVID-19 từ một người ban đầu. Như vậy, nếu hệ số lây lan càng lớn thì tỉ lệ người dân tại TP cần được tiêm vaccine phải càng cao và ngược lại. Các chuyên gia đánh giá hệ số lây lan rất quan trọng. Biện pháp để giảm hệ số lây lan chủ yếu là giãn cách xã hội. Như vậy, phải hiểu rằng song song với triển khai tiêm vaccine cho người dân thì TP.HCM vẫn phải duy trì giãn cách xã hội để đạt miễn dịch cộng đồng.

Trong khi đó, rất khó có thể xác định chính xác mức độ hiệu quả vaccine trong cộng đồng mặc dù đã có các công bố hiệu quả của các loại vaccine khác nhau khi thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng những con số về hiệu quả vaccine khi thử nghiệm lâm sàng thường cao hơn so với khi tiêm trong cộng đồng. Vì thế, có ý kiến cho rằng TP.HCM cần quan sát kỹ hiệu quả của các loại vaccine khi tiêm trong cộng đồng (được công bố trên các báo cáo khoa học ở các nước) để làm tham chiếu, cân nhắc cho chiến dịch tiêm chủng tới đây.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ngày 2-8 đã ký văn bản khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc đề nghị được cấp vaccine liên tục cho TP.HCM; mục tiêu đến cuối tháng 8-2021, TP sẽ có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong ngày 2-8, TP.HCM tiêm được 113.495 liều vaccine, tăng 22,5% so với ngày 1-8. Đây là tốc độ tiêm nhanh nhất của TP tính tới thời điểm hiện tại. 

Tính toán phương án “tiêm trộn”

Trước hết, cần khẳng định lại ba hiệu quả quan trọng của các loại vaccine ngừa COVID-19 phổ biến hiện nay: (i) Giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch; (ii) Giảm nguy cơ chuyển nặng phải nhập viện nếu không may bị nhiễm; và (iii) Giảm nguy cơ tử vong nếu không may phải nhập viện. Các báo cáo khoa học cũng cho thấy vai trò đáng chú ý nhất của các loại vaccine chính là giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong - điều này cực kỳ quan trọng với những nơi đang bùng dịch và hệ thống y tế quá tải như ở TP.HCM.

Tính tới lúc này thì Việt Nam đã phê duyệt và cho tiêm một số loại vaccine như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Các báo cáo thí nghiệm lâm sàng cho thấy mỗi loại vaccine khác nhau sẽ có các chỉ số hiệu quả khác nhau. Ngoài ra, nguồn vaccine về TP.HCM còn khan hiếm, không đều về chỉ số hiệu quả. Thế nên, một số chuyên gia đề xuất Việt Nam cần áp dụng “tiêm trộn” các loại vaccine như hàng chục quốc gia khác đã làm để tăng cường hiệu quả.

Theo nhiều nghiên cứu, nếu tiêm AstraZeneca mũi đầu và Pfizer hoặc Moderna mũi thứ hai thì sẽ tăng cường miễn dịch 4-20 lần, không bị suy giảm hiệu quả đáng kể trước biến thể Delta so với tiêm hai mũi cùng loại. Đối với vaccine Sinopharm, khoảng cách giữa hai mũi tiêm ngắn hơn các loại khác (khoảng 3-4 tuần) để có thể phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần có nguồn vaccine lớn và sớm hoàn thành hai mũi tiêm để người dân được bảo vệ tốt hơn. Sinopharm cũng có thể được cân nhắc để tiêm trộn như UAE, Bahrain… đã làm để gia tăng hiệu quả.

Chiến thuật tiêm chủng hợp lý

Một trong những bài học từ một số nước bùng phát dịch dù đã tiêm chủng cho nhiều người dân đó là tiêm chủng rải rác, thiếu tập trung, không tạo được “lá chắn” virus. Thế nên nhìn vào TP.HCM, một số chuyên gia khuyến nghị TP nên ưu tiên vào các khu dân cư đông đúc, là “mắt xích” kết nối các bộ phận quận, huyện của TP cũng như kết nối với các tỉnh, thành quan trọng khác nằm trong chuỗi cung ứng hoặc trong vùng kinh tế TP.HCM (ví dụ Đồng Nai, Bình Dương…). Bởi lẽ rất khó có thể kéo dài thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại các khu vực này.

Theo tiêu chí đó, TP.HCM hiện có một số quận có mật độ dân số cao (trên 30.000 người/km2), lại có vai trò kết nối giao thông, thương mại quan trọng, điển hình như quận 3, 10, Gò Vấp, Phú Nhuận… Những nơi này nên được thúc đẩy tiêm vaccine sớm, bởi nếu cục bộ tại các khu vực này có miễn dịch cộng đồng thì sẽ góp phần tạo nên những “vùng xanh” rất quan trọng cho TP.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất TP nên ưu tiên cho các khu phong tỏa. Thứ nhất, đây là khu vực nguy cơ lây nhiễm cao. Dù chỉ tiêm một mũi thì nếu không may nhiễm bệnh, người dân cũng giảm khả năng trở nặng nhập viện hoặc tử vong. Bên cạnh đó, cũng có nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm mũi đầu tiên một thời gian, nếu người dân bị nhiễm và khỏi bệnh một lần thì khả năng miễn dịch của họ có thể tương đương hoặc có khi cao hơn tiêm hai liều vaccine. Ở góc độ tâm lý, người dân ở các khu phong tỏa dài ngày trong không gian nhỏ hẹp, hạn chế khả năng sinh hoạt rất cần được sớm gỡ phong tỏa. Vaccine sẽ là điều kiện tiên quyết để chính quyền cân nhắc nới lỏng.

Phải rút ngắn tối đa quy trình tiêm

Trong bối cảnh TP đang bùng dịch, tốc độ tiêm chủng rất quan trọng trong “cuộc đua” tạo ra vùng an toàn. Cho đến nay, dù cải thiện đáng kể tốc độ tiêm chủng nhưng quy trình tiêm tại TP.HCM nhìn chung vẫn chưa thể tối ưu.

Một số điểm sáng hiện nay như TP Thủ Đức, các quận 11, 12, Tân Bình… cho thấy sự cải thiện rõ rệt về thời gian tiêm chủng. Bài học chung cho thấy TP nên sớm tiệm cận với hướng dẫn từ WHO: Các bước thủ tục trước khi tiến hành tiêm (ngoại trừ đo thân nhiệt và bác sĩ tư vấn, hướng dẫn trước khi tiêm) đều nên được làm trước. Ví dụ: Khai báo y tế, hoàn thiện phiếu sàng lọc, thông báo loại vaccine… nên thực hiện trước ở nhà (ví dụ: Người dân tự in và điền trước; dùng QR Code; khai báo điện tử nhận diện qua số điện thoại…).

Theo một số chuyên gia, sau tiêm chủng chỉ nên theo dõi 15 phút theo hướng dẫn của WHO. Thậm chí, với vaccine AstraZeneca, giới chức y tế Anh khuyến cáo không cần theo dõi 15 phút.•

 

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên

Ngày 2-8, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.

Muốn như thế, các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm