TP.HCM kiểm soát người kinh doanh thức ăn đường phố

(PLO)- Để đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tham mưu ban hành và triển khai các kế hoạch từ năm 2018 đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, thông tin một người bán bún trên lề đường ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã đổ thức ăn thừa vào nồi để bán lại cho khách khiến những người hay dùng thức ăn đường phố ở TP.HCM không khỏi hoang mang.

Bán hàng rong cũng phải có tâm

Do sống một mình nên anh TMH (36 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) thường ăn “cơm hàng cháo chợ”. “Ở mình ên nên nấu nướng chi cho mất thời gian, lại hao điện tốn gas” - anh H nói.

Tuy nhiên, sau vụ việc lùm xùm liên quan đến người bán bún ở tỉnh Khánh Hòa, anh H chia sẻ: “Dùng thức ăn thừa bán lại cho khách, ớn quá!”.

Bán bún riêu hơn 10 năm cạnh công ty may mặc ở huyện Hóc Môn, TP.HCM nên bà NTM (48 tuổi) có khá nhiều khách quen.

“Những người buôn gánh bán bưng như tôi vốn liếng không bao nhiêu, người ăn cũng thuộc dạng ít tiền. Dẫu vậy người bán cũng phải có cái tâm, phải biết giữ sức khỏe cho người dùng. Bán đồ ăn thừa cho khách đồng nghĩa bán rẻ cái tâm của mình” - bà M trải lòng.

Cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố

Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết: “Mặc dù nhân sự ít nhưng UBND phường Bình Hưng Hòa A vẫn phân công lực lượng kiểm tra và nhắc nhở những người kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). UBND phường còn cử nhân sự tham gia các buổi tập huấn về công tác quản lý ATTP do Ban quản lý (BQL) ATTP TP.HCM tổ chức”.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP có khoảng 13.500 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với khoảng 15.850 người tham gia kinh doanh.

Một người bán bánh mì ở TP.HCM luôn đeo khẩu trang, mang găng tay. Ảnh: TRẦN NGỌC

Một người bán bánh mì ở TP.HCM luôn đeo khẩu trang, mang găng tay. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Để đảm bảo ATTP thức ăn đường phố, BQL đã tham mưu ban hành và triển khai các kế hoạch, công văn chỉ đạo từ năm 2018 đến nay. Mục tiêu từng bước cải thiện và kiểm soát điều kiện ATTP thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm” - bà Phong Lan cho biết thêm.

Thời gian qua BQL thường xuyên phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai những giải pháp cải thiện điều kiện đảm bảo ATTP thức ăn đường phố.

“BQL còn tổ chức tập huấn công tác quản lý, nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; hướng dẫn sử dụng xét nghiệm nhanh cho lực lượng quản lý ATTP thức ăn đường phố tuyến quận, huyện, phường, xã. BQL cũng trang bị cho các phường và xã điểm những dụng cụ kiểm tra, giám sát nhanh các chỉ tiêu hóa học (hàn the, formol, độ sạch của dụng cụ…) đối với thức ăn đường phố” - bà Phong Lan nói.

Có thể xử phạt người phụ nữ để thức ăn thừa vào nồi nước lèo về hai hành vi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ này, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo những hành vi diễn ra trong clip thì có hai vấn đề cần xem xét là việc sử dụng vỉa hè để buôn bán và vấn đề vệ sinh ATTP.

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng lòng đường, hè phố trái phép. Điều 35 và 36 luật này cũng nêu rõ lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Không được họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ.

Cụ thể hơn, cá nhân có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 100/2019 với mức phạt 100.000-200.000 đồng.

Đối với hành vi vi phạm quy định vệ sinh ATTP, Điều 16 (vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố) Nghị định 115/2018 quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người nào thực hiện hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Phạt tiền 1-3 triệu đồng nếu thực hiện hành vi sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống. Như vậy, người phụ nữ bán hàng rong trong clip có thể bị xử phạt về hai hành vi nêu trên.

TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong trường hợp trên chủ tịch UBND phường Lộc Thọ sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Bản chất của những hành vi được ghi lại như trong clip là vấn đề vệ sinh ATTP, cụ thể ở đây là kinh doanh thức ăn đường phố. Hành vi trên hoàn toàn có cơ sở để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 16 Nghị định 115/2018.

Theo TS Minh, căn cứ xử phạt đã có, câu chuyện là chứng minh hành vi vi phạm. Việc này có thể thực hiện bằng cách UBND phường mời người phụ nữ đến làm việc và đưa những clip cho người này xem, nếu thừa nhận thì đã có thể xử phạt ngay. Trường hợp người phụ nữ này không thừa nhận thì lực lượng chức năng có thể dùng nhiều biện pháp, cách thức khác để chứng minh.

ĐẶNG LÊ

Chủ tịch phường ở Nha Trang nói gì?

Ngày 23-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Minh Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Lộc Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết sau khi các đoạn clip chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, khoảng 10 giờ ngày 21-12, lực lượng chức năng phường Lộc Thọ đến kiểm tra thì thấy có một người phụ nữ đang ngồi bán bún bò bên gánh hàng rong cạnh BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Gánh hàng cùng người phụ nữ có dấu hiệu gây cản trở giao thông. Tổ công tác đã tạm giữ gánh hàng để xử lý vi phạm hành chính. Khi lực lượng chức năng hỏi tên tuổi, chỗ ở thì người phụ nữ không trả lời mà bỏ chạy cùng một người đàn ông hơn 40 tuổi.

Cũng theo chủ tịch UBND phường Lộc Thọ, nếu người phụ nữ trên đến UBND phường Lộc Thọ để nhận lại gánh hàng thì chính quyền chỉ có thể xem xét, xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường chứ không có căn cứ để xử lý hành vi liên quan đến vệ sinh ATTP.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm