TP.HCM làm mái che đường Lê Lợi: Quận 1 và Sở QH-KT nói gì?

(PLO)- Theo UBND quận 1, việc vận động kinh phí làm mái che khá khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, đề xuất của Sở QH-KT TP.HCM về việc xây dựng mái che cho tuyến đường Lê Lợi, quận 1 đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến góp ý của các chuyên gia, cũng như lý giải thêm của Sở QH-KT và UBND quận 1.

Có đồng tình ủng hộ, có băn khoăn

Đồng tình với đề xuất của Sở QH-KT, TS - kiến trúc sư Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TP, cho rằng giải pháp này cần làm vì một tuyến phố như Lê Lợi cần có hành lang cho cộng đồng đi lại thuận lợi. Theo ông, Lê Lợi là một tuyến phố thương mại, dịch vụ, có rất nhiều hoạt động thu hút người dân đi bộ nhiều trên trục này.

Đường Lê Lợi sau khi xong nhà ga metro đã rất thiếu cây xanh. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đường Lê Lợi sau khi xong nhà ga metro đã rất thiếu cây xanh. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Vì vậy, việc ra một hành lang có che mưa, che nắng cho cộng đồng là cần nhưng làm như thế nào để vừa hiệu quả vừa thẩm mỹ về mặt cảnh quan thì cần phải tính đến. “Cái khó của mình là hiện nay các công trình ở tuyến này đã hình thành rồi và nó không đồng bộ như các tuyến phố mới, cho nên giải pháp thiết kế về mái che như thế nào để hài hòa và hấp dẫn về mặt không gian là cần tính toán” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, cần phải có ý tưởng và mô hình cho không gian đó, không nhất thiết phải là mái che liên tục kéo dài cả tuyến (sẽ gây cứng và khô) mà cần cộng với cả giải pháp về cây xanh kết hợp.

Còn TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, thì cho rằng việc làm mái che cần phải có sự phân tích, so sánh cái lợi và hại, cái nào lớn hơn thì mới quyết định. Theo TS Nguyên, mục đích của việc làm mái che là để thúc đẩy người dân đi bộ ở các ga metro, che nắng che mưa, tạo ra nơi buôn bán sầm uất hơn. Tuy nhiên, nếu làm ở tuyến này thì cũng phải xem xét đến các tuyến khác.

“Câu chuyện tạo ra chỗ làm ăn buôn bán sầm uất hơn thì có mâu thuẫn với việc bài toán giải phóng vỉa hè, quy định lại trật tự vỉa hè không?” - TS Nguyên nêu vấn đề.

Về thiết kế công trình, ông Nguyên cho rằng nếu làm mái che bằng tôn thì làm không khí nóng hơn, sẽ có “hiệu ứng mái tôn” vì dưới mái tôn bao giờ cũng nóng hơn. Theo ông, giải pháp trồng cây xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, mát hơn, cây xanh còn lọc khí và cản bụi, cây xanh cũng có thể trồng ngay cây lớn 2-3 m.

Ngoài ra, TS Nguyên cũng đề nghị cần xem xét việc làm mái che có cấp bách so với các nhu cầu khác như xây dựng nhà vệ sinh công cộng không…

Quận 1 đề nghị Sở QH-KT ba vấn đề

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết trước khi có đề xuất này, Sở QH-KT cũng đã có văn bản đề xuất quận có ý kiến về việc triển khai cải tạo cảnh quan trên tuyến đường Lê Lợi.

“Quận 1 cũng đã tổ chức cuộc họp để xem xét, thảo luận và sau đó đã có góp ý với Sở QH-KT bằng văn bản. Trước hết, quận 1 thống nhất và ủng hộ phương án thiết lập hệ thống mái che là giải pháp tăng cường che nắng che mưa, tạo không gian đi bộ, thương mại - dịch vụ cho trục đường Lê Lợi” - ông Vinh nói.

Trong văn bản gửi Sở QH-KT, quận 1 đề nghị làm rõ thêm ba vấn đề: Về biện pháp kỹ thuật, về hình thức kiến trúc cảnh quan khu vực và về kinh phí thực hiện mái che. Theo đó, quận 1 cho rằng kết cấu mái che neo từ tường nhà người dân hiện hữu. Đây là các dãy nhà được xây dựng từ trước năm 1975, đã hết niên hạn sử dụng. Do đó, khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần được tính toán chi tiết để đảm bảo an toàn sử dụng. Ngoài ra, cần tính toán biện pháp thoát, thu gom nước mưa cũng như việc duy tu, bảo trì.

Quận 1 cho rằng cần phải có dữ liệu điều tra xã hội học mới phân tích được những tác động tới cộng đồng cư dân xung quanh.

Cạnh đó, quận 1 cũng đề xuất Sở QH-KT có thêm các phương án kiến trúc hình thức uốn lượn, mềm mại, hài hòa hơn. “Không bố trí mái che suốt chiều dài tuyến phố, thay vào đó nghiên cứu bố trí mái che tại các vị trí chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời xen kẽ các mảng xanh tạo cảm giác dễ chịu cho người tham quan” - ông Vinh nêu trong văn bản.

Phó chủ tịch quận 1 cũng đề xuất thiết kế thêm mảng xanh có thể tách rời khỏi khu đất nhà dân, trồng cây xanh đường phố, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, tạo mỹ quan đô thị và cải thiện môi trường.

Hiện quận 1 đang xây dựng đề án tiếp nhận quản lý và khai thác khu trung tâm. Theo đó, đề xuất giải pháp tăng bóng mát bằng hệ giàn mát xanh kết hợp thiết kế chiếu sáng vào ban đêm. “Quận 1 đề nghị Sở QH-KT xem xét thêm giải pháp như trên cho tuyến đường Lê Lợi, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Nghiên cứu ý tưởng tôn tạo lại cảnh quan Sài Gòn xưa, nhằm lưu giữ các giá trị phi vật thể của đô thị. Tái hiện cảnh quan, không gian kiến trúc xưa để người dân TP, du khách có những phút giây hoài niệm khi dừng chân nơi đây” - quận 1 nêu.

Liên quan đến kinh phí thực hiện dự án, quận 1 cho rằng với tình hình hiện nay thì cả phương án dùng ngân sách và xã hội hóa đều rất khó khăn. Nếu dùng phương án đóng góp từ các hộ dân, với kinh phí 20-30 tỉ đồng cho 503 m. Trung bình 1 m khoảng 40-60 triệu đồng, ước tính một hộ dân đóng góp khoảng 120-180 triệu đồng là khá lớn. Về ngân sách, kinh phí sự nghiệp giao thông quận 1 chi hằng năm khoảng 3,2 tỉ đồng. Do đó, với chi phí lắp mái che như hiện nay cũng là vấn đề khó khăn.

“Sở QH-KT đề xuất làm mái che tại đường Lê Lợi, không có nghĩa là để thay thế toàn bộ cây xanh trên tuyến đường này.”

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM

Mái che không thay thế cây xanh

Trưa 27-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết sở sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia và người dân. “Tuy nhiên, cũng xin khẳng định là Sở QH-KT đề xuất làm mái che tại đường Lê Lợi, không có nghĩa là để thay thế toàn bộ cây xanh trên tuyến đường này” - ông Nhã lưu ý.

Ông Nhã cho biết đề xuất làm mái che nằm trong đề án chỉnh trang tuyến đường Lê Lợi, quận 1. Hiện nay trên tuyến đường này là hệ thống ga ngầm của tuyến metro số 1. Cùng với đó, theo quy hoạch, trên tuyến đường này là hệ thống trung tâm thương mại ngầm. Vì vậy, ông Nhã cho rằng nếu trồng cây to với tán rộng thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngầm phía dưới.

“Hơn nữa, hiện nay TP đang kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại ngầm ở phía dưới, thời điểm này nếu trồng cây thì khi có nhà đầu tư cũng phải tiếp tục di dời cây đến nơi khác” - ông Nhã nói.

Giám đốc Sở QH-KT thông tin thêm việc làm mái che trong thời điểm hiện nay trên tuyến đường này cũng là một cách để thu hút du khách khi trải nghiệm du lịch tại TP. Hơn nữa, nếu Nhà nước đứng ra làm mái che với thiết kế phù hợp, cùng với đó hệ thống biển hiệu sẽ tạo sự đồng bộ, thay vì người dân tự chế mái che sẽ mất mỹ quan.

Ông Nhã cho rằng có thể vừa làm mái che vừa trồng cây xanh trên tuyến đường này. Tuy nhiên, cây xanh phải có kích thước vừa phải để không ảnh hưởng đến công trình ngầm phía dưới. Về phần kinh phí đầu tư mái che, ông Nhã khẳng định không dùng ngân sách mà theo hướng xã hội hóa.•

Singapore xây 200 km đường bộ có mái che

Năm 2013, cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) đã có chương trình xây dựng đường bộ có mái che dài 200 km. Theo trang web của LTA, tổng kinh phí là 300 triệu SGD (hơn 5,2 ngàn tỉ đồng), chương trình này đã hoàn thành hồi tháng 9-2018.

Trong khuôn khổ dự án, các lối đi bộ có mái che được xây dựng để kết nối với các nút giao thông công cộng. Theo đó, các lối đi được xây dựng ở bên ngoài các trường học, cơ sở y tế và các tiện ích công cộng khác trong bán kính 400 m của các ga MRT (tàu điện ngầm), trong bán kính 200 m của các nút giao xe buýt, trạm LRT (đường sắt hạng nhẹ) và các điểm dừng xe buýt được chọn có lượng người đi lại đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore Khaw Boon Wan đương nhiệm lúc đó đã đăng lên Facebook nhân dịp hoàn thành dự án này: “Chúng tôi biết rằng lối đi bộ an toàn, thoải mái là cần thiết để người Singapore có thể đi bộ, đạp xe và khiến Singapore trở nên ít xe hơi hơn. Với khí hậu nhiệt đới, người dân cũng cần được che chắn”. ĐỨC HIỀN dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm