UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” năm 2021. Theo đó, một trong những mục tiêu TP muốn tiếp tục giữ vững là 100% phường, xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch.
Qua một thời gian triển khai, thực hiện Chỉ thị 19/2018, đã có rất nhiều địa phương thực hiện rất tốt cuộc vận động này. Trước đây, dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè luôn tồn đọng rác, tuy nhiên sau khi thực hiện cuộc vận động, lượng rác giảm nhiều và nhiều nơi không còn tình trạng xả rác bừa bãi. Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) |
Tăng cường xử phạt hành vi xả rác xuống kênh
Để TP trở nên xanh, sạch và thân thiện với môi trường, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đã triển khai hiệu quả Chỉ thị 19/2018. Cụ thể, các địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo UBND quận 1, để hưởng ứng phong trào này, 10 phường trên địa bàn quận đã vận động người dân tham gia nhiều hoạt động như cung cấp thông tin phản ánh về các điểm tập kết rác gây ô nhiễm, điểm xả rác tự phát, nắp cống bị rác bịt kín không thể thoát nước gây ngập úng, tình trạng lún sụp hệ thống thoát nước… thông qua số điện thoại đường dây nóng của 10 phường.
Các công nhân đang vớt rác trên sông Vàm Thuật - Bến Cát, đoạn qua quận 12 bằng việc sử dụng thiết bị hiện đại với công nghệ mới. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Bên cạnh đó, quận 1 đã phát huy vai trò của hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và camera của các hộ dân để phục vụ công tác phát hiện, ghi hình và xử phạt những vi phạm về vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, quận cũng phân công lực lượng của các tổ tự quản, cán bộ phụ trách tổ dân phố, ban điều hành khu phố, cán bộ, công chức theo dõi, tiếp nhận thông tin người dân phản ánh qua Zalo, tin nhắn SMS.
Ngoài ra, UBND các phường dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, xử phạt đối với người dân có hành vi xả rác, câu cá, tắm kênh. Tại các khu vực này, các phường không để phát sinh điểm phức tạp về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Tại quận Tân Phú, UBND quận cho biết đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, quận cũng vận động người dân tích cực tham gia giám sát các hành vi xả rác không đúng nơi quy định, kịp thời phản ánh để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Đồng thời, quận Tân Phú cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực môi trường. Hiện nay, quận đã tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, điện thoại, ảnh chụp, thư điện tử… về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch.
Tiếp tục triển khai nạo vét kênh rạch
Để phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, UBND TP yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, yêu cầu các hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường hoặc trên vỉa hè phải có khu vực riêng. Các hộ dân này phải tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải phát sinh, không xả rác ra đường và trước miệng hầm ga thu nước.
Đồng thời, UBND TP yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các giải pháp ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh rạch, không để tái lấn chiếm và ô nhiễm hành lang sông, kênh rạch trên địa bàn.
Đối với năm hệ thống kênh rạch chính có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực nội thành là kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, rạch Nhảy - Ruột Ngựa, rạch Bầu Trâu, rạch Bình Thái, UBND TP giao TP Thủ Đức và các quận 6, 8, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân và Tân Phú tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, chủ nguồn thải sống, sinh hoạt ven hoặc trên các tuyến kênh rạch không được xả rác xuống kênh rạch.
Các địa phương trên phải thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường. Tổ chức nạo vét, vớt lục bình, rác thải tại các tuyến kênh rạch theo chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai xây dựng, nạo vét kênh rạch và tổ chức thực hiện nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát nước theo thẩm quyền.
Sớm đẩy nhanh nhiều dự án cải tạo môi trường Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ KH&ĐT đề nghị bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện ba dự án trọng điểm cấp bách trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị cần ưu tiên triển khai đầu tư. Theo đó, hai trong số ba dự án về hạ tầng đô thị cần ưu tiên triển khai đầu tư đó là dự án xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp) và dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình). Theo GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), những dự án trên đã có chủ trương từ lâu nên cần sớm được phân bổ nguồn vốn để thực hiện. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ đảm bảo việc thoát nước, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và giảm ngập nước cho TP. |