TP.HCM rà soát bảo vệ nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19

Chiều 16-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết hiện TP đang điều trị 11.574 bệnh nhân (BN), trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 BN nặng đang thở máy, 15 BN can thiệp ECMO.

Trong ngày 15-12, có 1.065 BN nhập viện, 1.011 BN xuất viện, 65 trường hợp tử vong. TP cũng đã tiêm được hơn 14,8 triệu mũi vaccine mũi 1 và 2. Cùng với đó là tiêm hơn 10.000 mũi vaccine bổ sung và hơn 23.000 mũi vaccine nhắc lại.

Hơn 173.000 người thuộc nhóm nguy cơ

Sau một tuần triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tiếp tục rà soát, lập danh sách người có bệnh lý nền. Theo thống kê ban đầu, có 173.500 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có 140.000 người có bệnh lý nền, 35.500 người trên 65 tuổi.

Bổ sung, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tiến hành xét nghiệm trên 17.524 mẫu thuộc nhóm nguy cơ, có 187 mẫu dương tính, chiếm tỉ lệ 1,1%. Tất cả 187 người đã được thăm khám, cho uống thuốc kháng virus Monulpiravir, có 52 người có nguyện vọng cách ly tại nhà, số còn lại mong muốn vào các bệnh viện điều trị và cơ sở thu dung.

Cũng theo bà Mai, kết quả giải trình tự gen các ca nhập cảnh dương tính vẫn chưa phát hiện ra biến chủng Omicron.

Lý giải về việc TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ bổ sung 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, bà Mai cho biết hiện TP.HCM đang có nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch như hệ thống y tế tư nhân, hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành gồm 1.500 bác sĩ hỗ trợ online các trạm y tế chăm sóc, theo dõi, phát hiện F0 chuyển nặng, đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường đại học lớn gồm ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các tình nguyện viên tôn giáo...

Vừa qua, khi nới lỏng giãn cách, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh đã quay lại làm việc gần như hoàn toàn, kéo theo các ca F0 cũng gia tăng dù TP đã có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do đã chích ngừa đủ hai mũi vaccine nên lực lượng lao động ít bị ảnh hưởng nhưng những người già, người có hệ thống miễn dịch yếu vẫn còn tử vong cao, gây gánh nặng lên hệ thống y tế. Thêm vào đó, các bệnh viện đã hoạt động lại bình thường để chăm sóc sức khỏe cho người dân nên đã rút dần nhân sự cắt cử người đến các cơ sở điều trị COVID-19 về nên có sự thiếu hụt.

“Vừa qua, TP.HCM đề ra tám giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron, trong đó giải pháp thứ tám là xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu. Do đó, việc kiến nghị bổ sung 3.000 y bác sĩ nhằm phục vụ hiệu quả kế hoạch giải pháp thứ tám này” - bà Mai bổ sung.

Theo bà Mai, tính toán trên số F0 nhập viện và số lượng F0 cần chăm sóc, Sở Y tế ước tính gần 3.000 bác sĩ và điều dưỡng cần được bổ sung trong khoảng thời gian 1-2 tháng giúp khống chế các ca F0 và giảm tỉ lệ tử vong thì đội ngũ này sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trường học xử lý tốt các trường hợp F0

Liên quan tình hình học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp lại vừa qua, ông Phạm Đức Hải cho biết: “Đến nay đã có tám F0 trong trường học, gồm sáu học sinh và hai giáo viên. Các trường hợp trên đều được các trường xử lý tốt vì đã có kịch bản ứng phó sẵn. Vì thế phụ huynh cứ yên tâm”. 

Thủ tướng: Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vaccine

Chiều cùng ngày, trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, TP để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi số ca mắc trong cộng đồng vẫn tăng trong những ngày qua.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong phòng chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến 31-12-2021 hoàn thành tiêm hai mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1-2022 tiêm đủ hai mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine.

Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ năm tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19, tổng hợp dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước.

Gần 600 nhà thuốc tại TP làm cầu nối chăm sóc F0

Liên quan tình hình huy động nhà thuốc tư nhân tham gia làm cầu nối chăm sóc F0 với trạm y tế, tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Chi hội trưởng Chi hội Dược nhà thuốc TP.HCM, cho hay theo thống kê, có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân, phân bố khắp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Hưởng ứng lời kêu gọi của TP.HCM, hiện có 590 nhà thuốc đã đăng ký tham gia chương trình và chi hội đang tiếp tục huy động, cập nhật kiến thức tư vấn F0 cho các dược sĩ tham gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm