Nghiện ma túy tổng hợp là gì?
Theo Công an TP.HCM, đến cuối tháng 5-2014, TP đang có hồ sơ quản lý hơn 19.000 người nghiện, người sau cai nghiện do các quận, huyện, trung tâm cai nghiện và cơ sở cai nghiện của Sở LĐ-TB&XH, trung tâm cai nghiện của thanh niên xung phong, các điểm điều trị thay thế bằng thuốc Methadone do Sở Y tế quản lý…
Công tác phối hợp lập hồ sơ quản lý đối tượng nghiện ma túy đạt hiệu quả chưa cao. Còn nhiều đối tượng nghiện chưa được phát hiện.
Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận định tỉ lệ thống kê người nghiện bị sót lọt là khá cao do nhiều con nghiện bỏ trốn mà cơ quan chức năng không xác định được nguyên quán. Đặc biệt, tỉ lệ sót lọt hiện tại và trong thời gian tới đến 50%-70% trong nhóm người nghiện ma túy tổng hợp vì thiếu tiêu chí xác định người nghiện ma túy tổng hợp. “Đi liền với đó là các phương án điều trị nghiện ma túy tổng hợp cho người nghiện đang dần chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong tổng số người nghiện trong thời gian tới…” - ông Minh cho biết.
Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo quy định Nghị định 94/2010 giao cho cấp phường, xã quản lý có hiệu quả thấp và tỉ lệ tái nghiện cao.
Phát thuốc Methadone tại phòng điều trị quận 8. Ảnh: ctv
Theo thống kê, cho đến nay các địa phương ban hành quyết định cho 45 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong đó chỉ có 16 trường hợp cai nghiện thành công, được địa phương cấp giấy chứng nhận.
Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính Bộ Tư pháp nhận định tự cai tại gia đình, cộng đồng chỉ có 16 người thành công là tương đối khiêm tốn. Trong khi chủ trương của Chính phủ là giảm dần các cơ sở cai bắt buộc và tăng cai tại gia đình, cộng đồng.
Ông Dũng chỉ ra do một số bất cập trong thực hiện các quy định. Cứ hết thời gian quản lý, người cai tại gia đình (6-12 tháng), và cộng đồng (3-6 tháng) dễ dàng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện, còn hết nghiện hay không thì khó xác định.
Mở rộng uống Methadone
TP.HCM đã triển khai tám phòng khám điều trị Methadone tại tám quận, huyện đạt hiệu quả và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, nguồn Methadone để điều trị được viện trợ nay không còn trong khi tiến độ xã hội hóa điều trị bằng thuốc Methadone bị chậm so với thời gian dự kiến nên TP phải tìm mua từ các nhà cung cấp khác.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đã được chấp thuận chi ngân sách để bảo đảm nguồn cung Methadone cho các phòng điều trị tại 24 quận, huyện triển khai ngay trong năm 2015. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực TP đã duyệt, bảo đảm đầy đủ. Kinh phí ngoài từ nguồn viện trợ còn từ nguồn xã hội hóa (các bệnh nhân không thuộc diện điều trị miễn phí thì phải trả chi phí 20.000 đồng/lần uống Methadone).
Về điểm này ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Đã sẵn sàng triển khai trong năm 2015. Đến lúc đó, ước tính mỗi phòng sẽ chữa trị cho 350 người thì TP sẽ đủ khả năng điều trị cho khoảng 8.000 người”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao quyết tâm của TP trong việc triển khai thêm nhiều cơ sở điều trị Methadone nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2015 cả nước có hơn 80.000 người nghiện được điều trị bằng Methadone.
Sẽ thí điểm hai trung tâm
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đề xuất cho phép thành lập trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội của UBND TP.HCM trong khi chờ Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ vướng mắc để đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc rất đáng lưu ý.
Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết TP đã hoàn chỉnh đề án về giúp đỡ người nghiện ma túy lang thang được đi cai nghiện và trình cho Chính phủ, Quốc hội xem xét phê duyệt.
Trình bày về đề án này, ông Trần Trung Dũng cho biết theo đề án nếu được chấp thuận, TP.HCM sẽ chuyển ngay hai trung tâm cai nghiện bắt buộc Bình Triệu và Nhị Xuân (Hóc Môn) thành hai trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội. Trung tâm tiếp nhận sẽ có nhiệm vụ quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Khi người nghiện được xã, phường lập hồ sơ và đưa người nghiện sang thì trung tâm tiếp nhận để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý trong thời gian 15 ngày. Ngoài ra còn có đầy đủ các phòng ốc cho cơ quan tư pháp, công an, VKS, tòa án làm việc để xét xử đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Trong vòng 15 ngày, nếu có phán quyết của tòa án đưa người nghiện đi cai bắt buộc thì sẽ đưa đi ngay, nếu không thì sẽ trả ra ngoài ngay.
Ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định nếu đề án được phê duyệt thì TP có triển khai ngay cuối tháng 11-2014. Ông Thuận cho biết hiện nay cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai đề án này TP đã sẵn sang, kinh phí TP có thể lo liệu.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đề án trên nhận được đánh giá rất cao của Quốc hội, Chính phủ và có thể sẽ sớm được thông qua. Bà Chuyền cũng đề nghị TP chuẩn bị thật tốt để thực hiện thí điểm mô hình trên.
Tệ nạn mại dâm khó thống kê, đấu tranh hiệu quả Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận định như trên khi báo cáo về tình hình mại dâm từ khi có quy định không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Theo ông Minh, việc công an đánh giá tình trạng mại dâm gia tăng mang tính chất định tính chứ không định lượng chính xác được vì căn cứ vào việc gia tăng các phương thức, tính chất mức độ của việc mua bán dâm. Đáng nói là việc xuất hiện nhiều hơn các đường dây gái gọi hạng sang giá cả ngàn USD mỗi lần bán, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài… Thêm nữa, tình trạng mại dâm đồng tính ngày càng tăng (nam-nam, nữ-nữ) cũng khó xử lý vì vướng quy định pháp luật vế tình tiết giao cấu… |