'Trái tim xanh' của châu Âu lâm nguy

(PLO)- Các dự án thủy điện tạo nên mối hiểm họa về nhiều mặt cho Neretva - con sông được các nhà hoạt động gọi với tên "trái tim xanh" của châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sông Neretva chảy qua các khu rừng lâu năm của Bosnia và Herzegovina, Croatia. Con sông này có màu xanh lam đầy mê hoặc, dài 225 km, bắt nguồn từ sâu bên trong dãy núi Dinaric Alps và đổ ra biển Adriatic.

Là một trong những con sông lạnh nhất thế giới, Neretva có hệ sinh thái độc đáo và là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm. Trong số này có cá hồi cẩm thạch, cóc bụng vàng và loài manh giông chuyên sống trong mạng lưới hang động của dòng sông.

Tuy nhiên, sự trù phú này có thể sẽ thay đổi.

Giống như nhiều con sông trên toàn thế giới, hệ sinh thái sông Neretva đang bị các con đập đe dọa. Theo Trung tâm Môi trường - một tổ chức bảo tồn của Bosnia và Herzegovina, hơn 50 dự án thủy điện được đề xuất xây dựng dọc theo chiều dài và các nhánh của sông Neretva. Trong đó, gần một nửa các dự án này được đề xuất xây dựng ở thượng nguồn con sông.

Sông Neretva chảy qua hẻm núi với rừng rậm bao quanh, ở miền trung Bosnia và Herzegovina. Ảnh: CNN

Sông Neretva chảy qua hẻm núi với rừng rậm bao quanh, ở miền trung Bosnia và Herzegovina. Ảnh: CNN

Hiểm họa

Theo đài CNN, những con đập không chỉ gây hại cho sông Neretva và các sinh vật sống trong nó mà còn làm cho các hoạt động của người dân sống gần con sông bị ảnh hưởng.

Tại Ulog, một ngôi làng bên sông Neretva, người ta có thể tận mắt chứng kiến khả năng hủy diệt của các đập thủy điện.

Một nhà máy thủy điện 35 megawatt với một con đập cao 53 m đang trong giai đoạn xây dựng. Trong quá trình đó, cây cối dọc bờ sông bị đốn hạ để lấy đất xây dựng hồ chứa. Con đường mà các xe chở gỗ và xe xây dựng thường đi đã hằn sâu, như những vết sẹo xuyên qua khu rừng.

Cũng chính tại đây, ngay thượng nguồn dòng sông, hơn 60 nhà khoa học từ 17 quốc gia đã tập hợp vào tháng 6 để tham dự “Tuần lễ khoa học Neretva”. Hầu hết họ phải tự chi trả chi phí khi tham dự sự kiện này. Họ đến và đoàn kết vì một mục đích chung: cứu sông Neretva.

“Họ muốn giúp chúng tôi cứu lấy dòng sông này. Đây có lẽ là một trong những con sông đa dạng sinh học và có giá trị nhất ở châu Âu, đồng thời, nó cũng bị đe dọa nhiều nhất” - ông Ulrich Eichelmann, Giám đốc điều hành của tổ chức Riverwatch và điều phối viên của Save the Blue Heart of Europe (chiến dịch bảo vệ các dòng sông ở Balkan), nói.

Biển quảng cáo dự án đập ở làng Ulog ( Bosnia và Herzegovina). Ảnh: CNN

Biển quảng cáo dự án đập ở làng Ulog ( Bosnia và Herzegovina). Ảnh: CNN

Ông Kurt Pinter - nhà sinh thái học tại Áo - là một đại biểu trong Tuần lễ Khoa học Neretva. Theo ông Pinter, đập của các dự án thủy điện có thể gây nguy hiểm cho các loài cá vì chúng ngăn chặn, cản trở quá trình di cư của cá. Trong hệ thống sông tự nhiên, cá thường đẻ trứng ở thượng nguồn và kiếm ăn, giao phối ở hạ lưu.

“Nguyên tắc này rất quan trọng để cá di cư đến những khu vực có thể sinh sản. Các con đập được đề xuất xây dựng dọc theo sông Neretva sẽ làm gián đoạn quá trình sinh sản của cá. Nếu sông hết cá thì môi trường xung quanh, các loài sống trên cạn sẽ bị ảnh hưởng” - ông Pinter nói.

Theo một dự án nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU), châu Âu có cảnh quan sông bị cản trở nhất trên thế giới, với hơn 1 triệu rào cản như đập, con dốc, cống. Điều này gây hại cho động vật hoang dã. Theo CNN, cứ 3 loài cá nước ngọt ở châu Âu thì có 1 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tại Tuần lễ Khoa học Neretva, không chỉ các chuyên gia về cá lo ngại, những chuyên gia nghiên cứu về dơi, nấm, bướm và gấu cũng cùng chung quan điểm. Tất cả họ đều tin rằng các dự án thủy điện có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các loài sinh vật sống phụ thuộc vào dòng sông.

Không giống như phần còn lại của châu Âu, Balkan được coi là một nguồn tài nguyên hoang sơ với đầy những con sông chưa được khai thác. Vì lẽ đó, EU đang thúc đẩy phát triển thủy điện trên toàn khu vực Balkan. Tính đến năm 2022, Balkan có 1.700 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, hơn 3.300 nhà máy được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng.

Theo ông Eichelmann, chất thải từ công trình xây dựng tích tụ dưới lòng sông, giết chết những sinh vật nhỏ như con trai chuyên lọc sạch nước. Khi nước bẩn hơn, thực vật và động vật trong sông và dọc theo bờ sông cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Thủy điện có mục đích riêng của nó. Nhưng giống như trong y học, liều lượng nhỏ có thể đúng và tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn dùng quá nhiều, nó sẽ gây chết người” - ông Eichelmann nói.

Công trường dự án đập Ulog (Bosnia và Herzegovina). Ảnh: CNN

Công trường dự án đập Ulog (Bosnia và Herzegovina). Ảnh: CNN

Hy vọng

Giữ cho dòng sông chảy tự do mang lại lợi ích kinh tế, thông qua việc phát triển các hoạt động du lịch như đi bè tham quan, câu cá và leo núi.

Đầu năm 2023, lập luận trên đã thuyết phục được chính phủ Albania. Theo đó, sông Vjosa ở miền nam Albania được công nhận là khu bảo tồn quốc gia về sông tự nhiên đầu tiên trên thế giới.

Quyết định công nhận này giúp bảo vệ hơn 400 km sông Vjosa và tất cả nhánh chính của sông này. Chính phủ Albania cho rằng du lịch song song với bảo tồn sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và giúp giải quyết tình trạng giảm dân số trong khu vực.

“Nó chứng minh rằng các nhà bảo tồn có thể thắng những vụ việc tương tự. Điều này đã tạo ra một làn sóng trên khắp vùng Balkan” - ông Eichelmann nói.

Sông Vjosa ở Albania. Ảnh: AFP

Sông Vjosa ở Albania. Ảnh: AFP

Một số con đập đã xuất hiện trên sông Neretva. Điều này làm nó không đủ điều kiện để trở thành khu bảo tồn quốc gia về sông tự nhiên. Tuy nhiên, việc bảo tồn những đoạn sông chưa bị xây đập vẫn là điều nên làm.

Mặc dù có thể đã quá muộn để dừng việc xây dựng đập ở làng Ulog, nhưng các nhà hoạt động có thể ngăn chặn các dự án thủy điện khác, vốn được lên kế hoạch xây dựng ở thượng nguồn.

Gần đây, các hợp đồng xây dựng 15 nhà máy thủy điện nhỏ tại Neretvica, một nhánh của sông Neretva, đã bị chấm dứt. Năm 2022, chiến dịch Save the Blue Heart of Europe cũng đã nhận được sự ủng hộ của Công ước Bern - một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ hệ động thực vật châu Âu.

“Chúng tôi gọi dòng sông là 'trái tim xanh', vì nó như một viên ngọc quý. Nó giống như một món quà cho châu Âu, cho Trái Đất và đã tồn tại qua hàng thập niên. Chúng ta còn cơ hội để giữ cho trái tim màu xanh này vẫn đập” - theo ông Eichelmann.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm