Sáng ngày 7-1, UBND quận 1, TP.HCM đã khởi động chương trình bán hàng bình ổn với chủ đề “đồng hành cùng hàng Việt” được các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại địa bàn quận 1 tích cực hưởng ứng tham gia.
Tiếp nối thành công của những năm trước, chương trình bán hàng bình ổn năm nay nhằm thiết thực chuẩn bị cho người dân đón Tết sum vầy an vui, đưa hàng hóa trong nước đến tận tay người dân tại khu dân cư, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp. Chương trình “Đồng hành cùng hàng Việt sẽ được diễn ra từ ngày 7-1 đến 14-1.
Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (+5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 (16,2 nghìn tỷ đồng), trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là trên 6,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó 1 tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29/12/2016 đến 27/01/2017 (từ 01 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 9,7 nghìn tỷ đồng, giá trị hàng bình ổn thị trường khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là trên 17 nghìn tỷ đồng
Cắt băng khánh thành chương trình bình ổn "Đồng hành cùng hàng Việt sáng 7-1"
Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 15-20% so với kế hoạch TP giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 35% – 52% thị phần như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), thịt gia súc (35,5%), gạo (33,3%), dầu ăn (34,5%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%)..
Trước đó, nhận chỉ đạo từ Bộ Công Thương về việc bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương các tỉnh, TP đã thực hiện chương trình bán hàng bình ổn góp phần kiềm chế lạm phát. Đồng thời các tỉnh, TP cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đánh giá sát nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết.