CHIẾN DỊCH ĐÓNG CỬA BANGKOK

Treo thưởng bắt kẻ ném lựu đạn

Đài truyền hình Thai PBS (Thái Lan) đưa tin rạng sáng 21-1 đã xảy ra hai vụ nổ súng gần tượng đài Chiến thắng và giao lộ Lard Phrao ở thủ đô Bangkok. May mắn không ai bị thương.

Báo Bangkok Post cho biết sau vụ ném lựu đạn ở tượng đài Chiến thắng hôm 19-1 (28 người bị thương), 30 cảnh sát đã được triển khai tại đây để bảo vệ những người biểu tình.

Cảnh sát đã công bố băng ghi hình cho thấy một thanh niên đang ném lựu đạn ở tượng đài Chiến thắng. Cảnh sát đã thông báo treo thưởng 200.000 baht (128 triệu đồng) cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ thủ phạm vụ ném lựu đạn.

Trong khi đó, trang Facebook của ông Panthongtae Shinawatra, con trai cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đăng thông tin cựu Thủ tướng Thaksin đã treo thưởng đến 10 triệu baht (6,4 tỉ đồng).

Băng hình giám sát an ninh cho thấy một thanh niên ném lựu đạn hôm 19-1. Ảnh: BANGKOK POST

Ông Panthongtae Shinawatra cho biết ông đã đề nghị cha ông tăng thêm tiền thưởng. Ông ghi nhận gương mặt nghi phạm trong đoạn băng ghi hình khá rõ nên ông sẽ hỗ trợ cảnh sát trong công tác nhận dạng.

Ông cho rằng các lãnh đạo biểu tình chống chính phủ đã tổ chức ném lựu đạn với ý đồ kích động tình hình căng thẳng lên cao và bắt buộc quân đội phải ra tay giải quyết xung đột chính trị.

Ngày 21-1, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaiku thông báo Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự sẽ thảo luận với quân đội về các phương án tăng cường an ninh cho những người biểu tình. Trung tâm sẽ mời Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) hợp tác với cảnh sát trong vấn đề này.

Hôm 20-1, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã kêu gọi Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân cho phép cảnh sát và binh sĩ tiếp cận các khu vực biểu tình để bảo vệ người biểu tình. Bà nói chính phủ sẽ bồi thường cho các trường hợp thương vong trong biểu tình.

Chuyên gia Sunai Phasuk thuộc tổ chức Human Rights Watch (giám sát nhân quyền) của Mỹ đã kêu gọi chính phủ Thái Lan phải cung cấp an ninh cho những người biểu tình và cảnh sát phải nhanh chóng điều tra các vụ tấn công người biểu tình.

Ông cho rằng chính phủ, cảnh sát và người biểu tình nên hợp tác và tin tưởng lẫn nhau để bảo đảm an ninh tốt nhất tại các khu vực biểu tình.

Sáng ngày 21-1, lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban đã dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành qua tuyến đường Silom (khu vực thương mại sầm uất ở Bangkok).

Bộ Giao thông Thái Lan cho biết tối thiểu 20 tuyến đường ở Bangkok bị người biểu tình phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, dù vậy tình hình giao thông đã trở lại gần như bình thường. Nhiều trường học, công ty và cửa hàng gần các khu vực biểu tình đã hoạt động trở lại.

Bộ Y tế thông báo đã chỉ thị cho các bệnh viện ở 18 tỉnh có biểu tình đông người (trong đó có 14 tỉnh miền Nam) phải trực chiến 24/24. Thông báo cho biết 39 đơn vị y tế đã được triển khai ở các khu vực có biểu tình để sẵn sàng hỗ trợ cho những người cần trợ giúp y tế.

Tại các tỉnh miền Nam, báo Bangkok Post ghi nhận những người biểu tình đã phong tỏa nhiều cơ quan chính quyền.

Tại tỉnh Surat Thani, họ khóa cửa tòa thị chính không cho công chức vào làm việc. Tại tỉnh Nakhon Si Thammarat, chẳng những tòa thị chính tỉnh mà các cơ quan chính quyền ở các huyện cũng bị phong tỏa. Các tỉnh Chumphon, Satun và Phatthalung cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ngày 20-1, người phát ngôn quân đội Thái Lan bày tỏ lo ngại xu hướng bạo lực nhằm vào người biểu tình sẽ gia tăng trong thời gian tới, vì thông tin tình báo cho biết có nhiều vũ khí và chất nổ đã được tuồn vào Bangkok. Tuy nhiên, người phát ngôn không nêu cụ thể nhóm nào liên quan đến việc này.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm