"Nữ thần Diana" soi gương. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia London
Bảy cô gái, tất cả đều được gọi là Diana, sẵn sàng lần lượt ngồi khỏa thân hai tiếng trong bồn tắm cho khách tham quan chiêm ngưỡng qua lỗ nhòm, cửa chớp và lỗ chìa khóa cửa phòng. Tác phẩm nghệ thuật hiện đại mang tên "Diana" của nghệ sĩ Mark Wallinger lấy cảm hứng từ ba kiệt tác nghệ thuật của họa sĩ Phục hưng Italy, Titian sống ở thế kỷ 16.
Các bức tranh của Titian khắc họa một tích trong thần thoại Hy Lạp, khi chàng thợ săn Actaeon vì mắc tội nhìn trộm nữ thần săn bắn Diana tắm mà bị biến thành con hươu cho chó săn ăn thịt. Mark Wallinger đã sử dụng tiểu blog Twitter để tìm kiếm diễn viên cho tác phẩm của mình và cho biết các diễn viên của ông phải "giống như nữ thần".
Bức tranh "Diana và Actaeon", được cho là một trong những kiệt tác của danh họa Titian. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia London
Đến thăm Bảo tàng Quốc gia London từ 11/7 đến 23/9, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm hiện đại độc đáo được khơi nguồn cảm hứng từ các bức tranh khỏa thân của Titian. Ban tổ chức đã mời các nghệ sĩ, nhà thơ, biên đạo múa và nhạc sĩ sáng tác dựa trên 3 bức tranh khỏa thân của họa sĩ Titian, để góp thành một triển lãm mang tên "Sự biến hóa: Titian 2012".
"Các tác phẩm là nhằm khơi dậy cảm giác", Minna Moore Ede, người phụ trách bảo tàng, nói về các bức tranh phụ nữ đẫy đà khỏa thân của Titian, những tác phẩm từng gây chấn động với người xem ở thế kỷ 16 bởi tính chân thực. "Những tác phẩm này có thể chỉ được dành cho đàn ông xem, và đã có thời điểm trong lịch sử chúng bị che bằng rèm khi có phụ nữ ở gần", AFP dẫn lời cô Minna Moore Ede cho biết.
Còn nghệ sĩ Conrad Shawcross khắc họa hình tượng nữ thần Diana bằng một người máy khổng lồ chiếu ánh sáng rọi vào một khúc gỗ tạc hình sừng hươu, tượng trưng cho chàng Actaeon. "Tôi chưa bao giờ có thể hình dung được giữa hai bức tranh khỏa thân của Titian sẽ là một người máy, và thật là một người máy hấp dẫn", cô Ede nói.
Tác phẩm mang tên Trophy (Chiến tích) của Conrad Shawcross. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia London
Còn họa sĩ người Anh gốc Nigieria Chris Ofili thì lại chuyển thể các bức tranh khỏa thân của Titian thành khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc của Trinidad, nơi ông sống và làm việc. Ban tổ chức triển lãm cũng "đặt hàng" các nhà thơ hàng đầu như Carol Ann Duffy và Seamus Heaney sáng tác dựa trên các bức tranh của họa sĩ thiên tài. Không kém phần hấp dẫn là 7 vở ballet lấy cảm hứng từ tranh Titian, do các nhạc sĩ Anh sáng tác và các vũ công ballet thuộc đoàn Ballet Hoàng gia trình diễn từ 14-20/7.
Ba bức tranh gốc của Titian "Diana và Actaeon", "Cái chết của Actaeon" và "Diana và Callisto" cũng được trưng bày tại triển lãm bên cạnh các tác phẩm hiện đại. Đây là lần đầu tiên ba tác phẩm xuất hiện cùng nhau kể từ thế kỷ 18.
Titian là họa sĩ vĩ đại nhất của Venice, Italy ở thế kỷ 16 và cũng là họa sĩ thời Phục hưng đầu tiên có tác phẩm được một lượng lớn khách hàng quốc tế ưa chuộng. Nổi tiếng tại khắp các cung điện châu Âu, ông đã vẽ 3 bức kiệt tác "Diana" dựa trên bài thơ "Metamorphoses" của nhà thơ thời Roman Ovid cho vua Phillip đệ nhị ở Tây Ban Nha.
Triển lãm miễn phí tại bảo tàng là một phần của dự án lớn "Cultural Olympiad" bao gồm nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra trên khắp nước Anh nhằm chào mừng thế vận hội Olympics. Ban tổ chức triển lãm hy vọng sẽ thu hút khách tham quan đến London tham dự Olympics, diễn ra tại thành phố thủ đô từ 27/7-12/8.
Theo Trọng Giáp (VNE)