Triệt phá 2 nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp đòi nợ trái pháp luật

(PLO)- Nhóm đòi nợ cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy, thông tin không đúng sự thật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Công an TP Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã triệt phá hai nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản bằng hình thức đòi nợ trái pháp luật, khủng bố qua điện thoại

Thành lập nhiều công ty để qua mắt công an

Trước đó, ngày 20-2, lãnh đạo CSHS đã giao Phòng Trọng án phối hợp với Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng những thủ đoạn cực đoan, đòi nợ thuê núp bóng dưới nhiều công ty khác nhau, cưỡng đoạt tài sản với quy mô lớn, tại nhiều tỉnh, thành phố với rất đông người tham gia.

Các nhóm này hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ, phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ phận, hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, những người này đã thành lập bảy công ty thuê 119 người, chia thành nhiều bộ phận khác nhau để thực hiện công việc thu nợ cho các công ty có nhu cầu.

Bộ phận lãnh đạo công ty do Trần Hồng Tiến (49 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) là giám đốc điều hành, quyết định mọi vấn đề của công ty.

Bộ phận nhân sự do Nguyễn Thị Ái Vân (38 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) làm Trưởng phòng, quản lý nhân viên; Huỳnh Thị Phượng (29 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận), có nhiệm vụ phỏng vấn, nhận hồ sơ của nhân viên xin việc, lập bảng chấm công, làm các giấy tờ gửi xe, thẻ ngân hàng... cho các nhân viên công ty.

Trần Hồng Tiến
Trần Hồng Tiến tại cơ quan công an. Ảnh CACC

Bộ phận kế toán do Võ Thị Cẩm Vân (39 tuổi), làm kế toán trưởng, quản lý một nhân viên kế toán có nhiệm vụ là tính tiền lương cho nhân viên và nhận, tổng hợp biên lai khách hàng trả tiền trực tiếp tại văn phòng do nhân viên công ty chuyển đến…

Công ty này thành lập từ tháng 4-2020 với khoảng trên 200 nhân viên.

Mỗi tháng công ty sẽ cấp cho nhân viên truy thu khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi khoản nợ khách vay.

Mỗi nhóm được giao nhiệm vụ phải đòi nợ số tiền là 300 triệu đồng, nếu hai tháng liên tiếp không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc.

Cục CSHS cho biết công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.

Sử dụng nhiều phương thức để đòi nợ

Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành (Accout) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty.

Tiếp theo sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu để họ trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp bằng thủ đoạn như sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân…

Đáng chú ý, nhóm đòi nợ còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân vào các hình ảnh đồi trụy, thông tin không đúng sự thật. Sau đó, tạo lập, dùng các “tài khoản ảo” đăng tải, bình luận.

Hình ảnh cơ quan công an khám xét trụ sở Công ty Luật Pháp Việt hồi tháng 2. Ảnh: CACC
Hình ảnh cơ quan công an khám xét trụ sở Công ty Luật Pháp Việt hồi tháng 2. Ảnh: CACC

Quá trình thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, công an đã triệu tập được 102 người về trụ sở Cục CSHS khu vực phía Nam để đấu tranh làm rõ, thu giữ số tiền 593 triệu đồng và nhiều thùng tài liệu, vật chứng liên quan.

Theo kết quả kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ ngày 2-7-2018 đến hết năm 2022, các công ty trên đã thu mua 335.607 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ là trên 3.000 tỉ đồng, trong đó công ty này đã đòi được tổng số tiền trên 500 tỉ đồng.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình về hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với 31 người, trong đó có bảy người là lãnh đạo công ty ba tổ trưởng nhóm đòi nợ và 18 nhân viên đòi nợ.

Trước đó, ngày 14-2, Phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an thị xã Cai Lậy, Phòng Trọng án Cục CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh và đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp công ty Luật TNHH Pháp Việt ở ba chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.

Quá trình khám xét, công an phát hiện và thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố và cưỡng đoạt tài sản, mời làm việc với 133 người có liên có liên quan, thu giữ nhiều tang vật.

Cục CSHS đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, trong đó yêu cầu sự hỗ trợ từ các ngân hàng, công ty tài chính dừng ngay việc cung cấp danh sách tên khách hàng đang có khoản nợ.

Việc này gây ảnh hưởng đến uy tín khách hàng, dẫn đến hậu quả khôn lường. Đề nghị người dân cần tố cáo hành vi đòi nợ đến cơ quan công an nơi gần nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm