Tuy nhiên, lại không có thanh tra viên hay chuyên gia về giải trừ vũ khí hạt nhân đại diện cho các tổ chức giám sát quốc tế có thẩm quyền như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hay Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) nhận được lời mời dự sự kiện mà Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ “đảm bảo tính minh bạch trong việc ngừng thử hạt nhân”, theoCNN.
Các phóng viên nước ngoài dự kiến quan sát quá trình đóng bãi thử Punggye-ri từ khoảng cách xa chứ không có bất kỳ cơ hội nào tri giác những gì xảy ra bên trong các đường hầm ở Punggye-ri. Điều này khiến giới chuyên gia cho rằng động thái này đơn thuần là sự tượng trưng của Triều Tiên, nhằm thể hiện sự nóng lòng từ bỏ hạt nhân của nước này trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào ngày 12-6, theoThe Guardian.
PV Will Repley của đài CNN trả lời truyền thông tại sân bay ở Bắc Kinh hôm 22-5 trước khi đến Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Đánh giá của các chuyên gia càng được củng cố khi một số nhà quan sát cho biết bãi thử Punggye-ri tuy bị sụp đổ và không còn sử dụng được nữa nhưng một nghiên cứu do các nhà địa chất Trung Quốc tiến hành hồi tháng 4 nói vẫn có hai đường hầm còn sử dụng tốt.
Cheon Seong Whun, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan Hàn Quốc, cho rằng thế giới đã đánh mất cơ hội khi để Triều Tiên đơn phương tháo dỡ bãi thử mà không có cơ hội thanh sát trước.
“Đó ắt hẳn là bằng chứng quan trọng giúp chúng ta hiểu được lịch sử của chương trình hạt nhân Triều Tiên và liệu Triều Tiên có thực tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân. Những gì họ phải làm là cung cấp mọi thông tin và tài liệu cần thiết cho cộng đồng quốc tế, sau đó mời Liên Hiệp Quốc kiểm tra, Triều Tiên không được tự ý làm việc này, đây không phải là điều gì cần thực hiện vội vàng” - chuyên gia Cheon nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông Cheon lập luận rằng Bình Nhưỡng phá hủy bãi thử hạt nhân nhằm ngăn các chuyên gia mai này tiếp cận nó, có khả năng là một phần nhượng bộ của Mỹ để chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh sắp tới với ông Trump dẫu số phận cuộc họp chưa rõ. “Điều này không gì khác ngoài mục đích thủ tiêu chứng cứ” - ông Cheon nhấn mạnh.
Chuyên gia Hàn Quốc phân tích một chỉ dẫn khác cho thấy động cơ của ông Kim nằm ở thời điểm lên kế hoạch đánh sập bãi thử. Theo ông Cheon, sự kiện này diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang sang Mỹ gặp Tổng thống Trump và không hề ngẫu nhiên bởi ông Kim muốn tận dụng sự kiện này để tuyên truyền chính trị.
Bà Cheryl Rofer, chuyên gia hóa học có thâm niên 35 năm làm việc về tháo dỡ, chấm dứt và giám sát phá hủy vũ khí hạt nhân, cũng tin rằng ngay cả khi đường hầm dưới bãi thử Punggye-ri bị đánh sập thì chúng vẫn có thể khôi phục sau đó nếu Triều Tiên còn ý định tái sử dụng bãi thử.