Đài CNN (Mỹ) dẫn thông báo từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 22-3 cho biết CHDCND Triều Tiên vừa quyết định rút khỏi một văn phòng liên lạc chung của hai miền.
Văn phòng liên lạc chung này được đặt tại khu công nghiệp chung Kaesong ở phần đất Triều Tiên, cách khu phi quân sự liên Triều 10km.
Văn phòng liên lạc chung này được thành lập sau các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên tại khu phi quân sự liên Triều, tiếp theo đó là cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhất giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore.
Văn phòng liên lạc chung liên Triều được mở hồi tháng 9-2018. Ảnh: REUTERS
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, quyết định của Triều Tiên được thông qua “theo chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền tối cao”. Triều Tiên nói sẽ không quan tâm đến việc các đại diện của phía Hàn Quốc “còn hiện diện ở văn phòng” và cho biết sẽ thông báo các bước đi tiếp theo với Hàn Quốc.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết lấy làm tiếc về quyết định này, đề nghị phía Triều Tiên sớm quay lại làm việc ở văn phòng liên lạc chung này hướng tới đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Phía Triều Tiên chưa đưa ra thông báo chính thức, trực tiếp về quyết định rút khỏi văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc.
Quyết định của Triều Tiên đến sau khi Mỹ công bố trừng phạt hai công ty Trung Quốc vì làm ăn với Triều Tiên, động thái đầu tiên của Mỹ với Triều Tiên sau kỳ thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un không có tuyên bố chung.
Theo nhà phân tích Chad O'Carroll đồng thời là Giám đốc điều hành công ty tham vấn rủi ro Korea Risk Group, diễn biến này đã được dự đoán sẽ đến sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai không có tuyên bố chung.
Ông O’Carroll cho rằng Triều Tiên đi bước này nhằm gửi thông điệp rằng từ quan điểm của Triều Tiên, Hàn Quốc không có ảnh hưởng đủ mạnh đến quan hệ Mỹ-Triều, và các cuộc đối thoại liên Triều ngày càng trở nên vô nghĩa.
Một diễn biến lưu ý, sau thượng đỉnh ở Hà Nội, Mỹ và Hàn Quốc đã hủy một số cuộc tập trận lớn để “ủng hộ các nỗ lực ngoại giao” với Triều Tiên.