Hãng tin Reuters đưa tin, trong biện pháp trừng phạt đầu tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố danh sách cập nhật 67 tàu được cho là đã lén lút chở các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Triều Tiên và than đá xuất khẩu của nước này.
Hai công ty mới có tên trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ là Công ty TNHH vận tải quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty giao nhận quốc tế Liêu Ninh Danxing, cả hai đều có trụ sở tại Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: REUTERS
Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty Trung Quốc không được giao dịch với các cá nhân và tổ chức Mỹ, đồng thời đóng băng tài sản của các công ty này tại Mỹ.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 21-3 cho thấy Đại Liên Haibo đã thường xuyên giao dịch với Paeksol Trading Corp, một công ty Triều Tiên đã nằm trong danh sách đen trước đây của Mỹ.
Công ty của Trung Quốc đã sử dụng các tàu hàng treo cờ Triều Tiên để chở hàng từ TP Đại Liên đến Paeksol ở Nampo (Triều Tiên) vào đầu năm 2018.
Trong khi đó, Liêu Ninh Danxing thường xuyên sử dụng các chiêu trò để qua mặt và hỗ trợ chiến dịch của các quan chức ngoại giao Triều Tiên là mua hàng hóa, xa xỉ phẩm châu Âu rồi chuyển về Bình Nhưỡng.
Các chiến thuật trốn tránh được Triều Tiên sử dụng bao gồm vô hiệu hóa hoặc thao túng các hệ thống nhận dạng tự động, thay đổi vật lý tàu, chuyển hàng hóa giữa các tàu và làm sai lệch tài liệu hàng hóa.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, trong năm 2018 các cảng của Triều Tiên tiếp nhận tới 263 tàu chở dầu. Nếu tất cả tàu được chứng minh trong tình trạng đầy tải, Triều Tiên đã nhập tới 3,78 triệu thùng dầu trong năm rồi, gấp 7,5 lần mức giới hạn theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
“Mỹ và các đối tác có cùng lập trường với chúng tôi vẫn duy trì cam kết đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và kiểm chứng đầy đủ Triều Tiên, đồng thời tin rằng việc thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới Triều Tiên đóng vai trò quan trọng cho một kết quả thành công”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết trong thông báo.
Washington đã dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo hãng tin RT, giới phân tích nhận định lệnh trừng phạt mới nhất là dấu hiệu cho thấy Washington vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chính sách trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố chỉ ba tuần sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố nước này để ngỏ khả năng dừng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.