Trong khi người ta cho rằng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong thời gian bắt đầu năm mới thì các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã cân nhắc lại vụ phóng nhằm tránh làm Trung Quốc - đồng minh của nước này tức giận giữa đại dịch COVID-19.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Tháng 12-2019, các quan chức Triều Tiên cam kết Mỹ sẽ nhận được một “món quà Giáng sinh” nếu Washington không trở lại bàn đàm phán để thảo luận sự phi hạt nhân hóa vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, thời hạn cuối năm đến và đã trôi qua nhưng không có cuộc đàm phán nào giữa hai quốc gia. Và đến tận ngày hôm nay cũng không có dấu hiệu của món quà Giáng sinh đó.
Trao đổi với tờ Washington Times đầu tuần này, ông Lee Gee Dong - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS) ở Seoul (Hàn Quốc) giải thích rằng ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đối với Bắc Kinh đã khiến Bình Nhưỡng trì hoãn vụ phóng thử ICBM.
“Quốc gia thân thiện nhất của Triều Tiên là Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng và Triều Tiên không muốn làm mọi thứ tệ hơn. Tôi nghĩ trong ba hoặc bốn tháng tới, tình hình sẽ khá yên ắng và người Triều Tiên sẽ không tiến hành bất cứ hành động khiêu khích hay nguy hiểm nào chống lại thế giới” - ông Lee nhận định.
Trong khi các báo cáo về Triều Tiên cuối tháng 12-2019 cho hay Triều Tiên đã tăng cường hoạt động tại nhiều cơ sở có liên hệ với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, sự xuất hiện của virus COVID-19 tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được xác định vào cùng khoảng thời gian này.
Theo Washington Times, nhóm các nhà phân tích của INSS tin rằng Bình Nhưỡng đã để ý suy xét tới các vấn đề trong nước của Bắc Kinh và cảm thấy một vụ thử ICBM có thể khiến Trung Quốc và thậm chí là Nga gặp khó khăn khi bảo vệ nước này trên mặt trận quốc tế.
“Người Triều Tiên không công bố bất cứ “món quà Giáng sinh” nào và họ không đi theo bất kỳ “con đường mới” nào bởi vì họ biết rõ những tác dụng phụ có thể xảy ra” - ông Lee nói.
Chuyên gia INSS nói thêm rằng chính phủ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảnh giác về việc sụp đổ mối quan hệ mà nước này đã xây dựng thành công với Nga và Trung Quốc và cả sự ủng hộ mà họ đang nhận được từ hai quốc gia này.
Ông Kim In Tea, nhà phân tích của INSS, khẳng định với Washington Times rằng ông Kim Jong-un đang tập trung vào việc tái cấu trúc chính phủ khi ông chuẩn bị cho “một cuộc đàm phán dài hạn”.
“Khoảng 30% trong số 230 cán bộ cấp cao trong chính phủ Triều Tiên đã được thay đổi vị trí”, ông Kim nói, nhấn mạnh rằng việc cải tổ chính phủ diễn ra giữa lúc Triều Tiên đối mặt với những khó khăn trong nước.
Tháng trước, ông Ri Son Gwon, một cựu chỉ huy quân đội đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao của Triều Tiên. Điều này có thể khiến Mỹ thận trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai bởi vị tân ngoại trưởng Triều Tiên không tham gia các cuộc đàm phán trước đó.