Đầu tháng 12, CHDCND Triều Tiên tuyên bố chấm dứt đàm phán hạt nhân với Mỹ và sẽ tặng “quà Giáng sinh” cho Mỹ, đồng thời nói món quà như thế nào là tùy vào Mỹ.
Mới nhất, ngày 21-12, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA một lần nữa kêu gọi Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” với nước này, đồng thời tiếp tục cảnh báo về “món quà Giáng sinh” với Mỹ khi thời hạn cuối năm sắp đến.
Thế giới đang đón Giáng sinh và cả hồi hộp chờ xem Triều Tiên sẽ tặng quà gì cho Mỹ. Theo các chuyên gia thì Triều Tiên có nhiều phương án:
Phóng vệ tinh trá hình
Triều Tiên có thể phóng một tên lửa đẩy một vệ tinh. Hành động kiểu này bị Mỹ xem là khiêu khích nhưng Triều Tiên thì có lý do để nói nó là hòa bình, theo chuyên gia Ankit Panda - người sắp cho ra mắt cuốn sách có tựa đề Kim Jong-un và bom.
Tên lửa Unha-3 được phóng từ bệ phóng ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae năm 2012. Ảnh: AP
Tuy nhiên, theo phân tích của trang web 38 North về các hình ảnh vệ tinh chụp trung tâm phóng vệ tinh Sohae - địa điểm phóng vệ tinh chính của Triều Tiên gần đây thì hiện tại địa điểm này không có nhiều hoạt động.
Thử hạt nhân dưới lòng đất
Sau vụ thử bom nhiệt hạch năm 2017, Triều Tiên vào năm 2018 đã cho phá hủy đường hầm vào điểm thử hạt nhân dưới lòng đất Punggye-ri trước sự chứng kiến của một lượng lớn nhà báo quốc tế.
Triều Tiên mời nhà báo nước ngoài đến quan sát mình phá hủy đường hầm vào điểm thử hạt nhân Punggye-ri năm 2018. Ảnh: AP
Theo chuyên gia Panda, hiện chưa thấy dấu hiệu có hoạt động ở điểm thử này. Tuy nhiên, theo ông, “không có gì có thể ngăn chặn Triều Tiên lập thêm một điểm thử hạt nhân nữa”.
Phóng tên lửa tầm xa
Khả năng thứ ba có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc vũ khí tầm xa tương tự có khả năng bắn tới nước Mỹ hoặc lãnh thổ của Mỹ. Triều Tiên từng phóng thử một số tên lửa này vào năm 2017 nhưng sau đó ngưng để tạo điều kiện cho đàm phán ngoại giao với Mỹ.
“Sự đánh cuộc an toàn nhất là một phiên bản cải tiến của một trong những tên lửa mà chúng ta đã từng thấy. Nhưng điều tôi lo là đó có thể là một tên lửa mới, có tầm bắn xa hơn, được đẩy bằng nhiên liệu rắn” - GS Jeffrey Lewis, chuyên quan sát về Triều Tiên và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), nhận định.
Từ cuối năm 2017 đến nay Triều Tiên chưa thử bất kỳ tên lửa nào có khả năng bắn tới đất Mỹ. Ảnh: AP
Các tên lửa tầm xa, sử dụng nhiên liệu rắn là công nghệ tiên tiến hiện chỉ một số ít nước sở hữu được. Các tên lửa này có thể được phóng chỉ trong vài phút.
“Trong trường hợp có khủng hoảng thì các tên lửa này có thể sẵn sàng nhanh hơn nhiều so với các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng” - theo chuyên gia Panda.
Theo chuyên gia Panda, có lý do để lo ngại khả năng này, đặc biệt khi quan sát các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên.
“Từng tên lửa họ thử trong năm 2019 tính đến thời điểm này đều là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn” - chuyên gia Panda nói.
Các chuyên gia lo ngại Triều Tiên có thể sẽ thử một tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Ảnh: AP
Hơn nữa, đầu tháng này Triều Tiên có một vụ thử nghiệm quan trọng mà phía Mỹ cho rằng đó là một vụ thử động cơ tên lửa. Nhiều chuyên gia cho rằng nó có thể là động cơ của một tên lửa tầm xa.
Ông Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho rằng các dữ liệu từ các điểm phóng tên lửa ở Triều Tiên cho thấy nước này “về cơ bản đã chuẩn bị hành động”.
Chuyên gia Lewis cho rằng một vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên sẽ là dấu chấm hết thật sự cho tiến trình đàm phán Mỹ-Triều và hai nước sẽ tăng cường công kích nhau. Ông dự đoán năm 2020 sẽ không phải là một năm tốt đẹp cho quan hệ Mỹ-Triều.