Triều Tiên đã, đang và sẽ tiếp tục có các hành động khiêu khích chống Hàn Quốc và phương Tây. Chương trình vũ khí hạt nhân ngày càng phát triển cộng với tình trạng ngày càng bị cô lập sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của các hành động này, đài VOA (Mỹ) ngày 25-3 dẫn cảnh báo các chuyên gia Mỹ.
Mặc cho áp lực trừng phạt từ cộng đồng quốc tế ngày càng tăng, Triều Tiên vẫn giữ thái độ thách thức. Tiếp sau nghị quyết trừng phạt mới đây của Hội đồng Bảo an LHQ và Mỹ, Triều Tiên liên tục đe doạ Hàn Quốc và Mỹ, thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa. Gần đây Triều Tiên thậm chí còn đe doạ giết cả Tổng thống Hàn Quốc.
Cựu binh Hàn Quốc tuần hành phản đối Triều Tiên liên tục đe doạ Hàn Quốc, tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 25-3. (Ảnh: AP)
Đầu tuần này Triều Tiên tuyên bố đã phát triển thành công động cơ tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn. Nếu tuyên bố này là sự thật thì đây là một bước tiến lớn trong chương trình tên lửa của Triều Tiên, khả năng tấn công của tên lửa sẽ được tăng lên.
Biện pháp trừng phạt Triều Tiên của quốc tế có những mặt tiêu cực, theo ông Frank Jannuzi, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu chính sách Mỹ-châu Á Mansfield Foundation (Mỹ).
“Một trong những mặt trái của việc cô lập Triều Tiên là chúng ta cũng sẽ có ít khả năng quan sát cái gì thật sự đang xảy ra, chính phủ Triều Tiên đang thật sự suy nghĩ cái gì, và họ thật sự tính toán thế nào về tương lai Triều Tiên.”
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận. (Ảnh: REUTERS)
Ông Frank Jannuzi nghi ngờ khả năng nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ có thể triệt tiêu tham vọng hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà phân tích cấp cao Bruce Klingner thuộc Quỹ nghiên cứu chính sách Heritage (Mỹ) cho rằng các lệnh trừng phạt đã làm chậm lại các chương trình hạt nhân và tên lửa, tuy nhiên không thể buộc Triều Tiên từ bỏ theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.
Nhà phân tích Bruce Klingner dự đoán Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa trong tương lai gần nhằm phô trương sức mạnh hạt nhân của mình với quốc tế.
Thời điểm thử hạt nhân tiếp theo (lần thứ năm) của Triều Tiên có thể là vào đầu tháng 5 tới, trùng thời điểm diễn ra đại hội đảng Lao động Triều Tiên, theo dự báo của nhà phân tích Kim Jin-moo thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc.
Nhà phân tích Bruce Klingner nhận định Mỹ không nên đánh giá quá cực đoan thái độ cứng rắn của Triều Tiên là nhắm vào mình. Theo ông, tình hình chính trị nội bộ Triều Tiên có ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của nước này.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong-un đang cố gắng xây dựng hình ảnh một lãnh đạo mạnh mẽ bằng cách phô diễn sức mạnh hạt nhân. Nói cách khác, mục tiêu phô diễn sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là Mỹ, Hàn Quốc và quốc tế mà cả với dân Triều Tiên.
Triều Tiên thường đổ chính sách thù địch của Mỹ là nguyên nhân khiến Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó Mỹ trước giờ vẫn khăng khăng mình không có thái độ thù địch với Triều Tiên mà chỉ theo đuổi phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
“Làm cho Triều Tiên sụp đổ không phải là chiến lược của Mỹ. Nếu Mỹ có chiến lược như vậy thì chúng tôi đã có những hành động khác chứ không phải như những gì chúng tôi hành động trước giờ.” – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Russel phát biểu tại một sự kiện ở Berlin (Đức) đầu tuần.